(HNM) - “Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn kết thị trường lao động vùng Đồng bằng sông Hồng”. Đây là một trong những nội dung được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm khi triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đồng bằng sông Hồng có quy mô lao động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước, với tổng số lao động khoảng 11,44 triệu người, chiếm 22,64% lực lượng lao động cả nước. Trong thời gian qua, tỷ lệ lao động làm công ăn lương trong vùng tăng từ 38,8% lên 60,35% và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm từ 37,68%, xuống còn gần 13,55%. Công tác đào tạo nghề cho người lao động cũng được được chú trọng, đặc biệt là gắn với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Như tại Hà Nội, đến cuối năm 2022, các cơ sở hợp tác giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với hơn 750 lượt doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Đồng thời, ký thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường kết nối giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, việc gắn kết thị trường lao động ở vùng kinh tế này còn một số bất cập. Trình độ chuyên môn, lao động kỹ thuật của vùng dù cao nhất trong các vùng của cả nước nhưng mới chỉ có 15% lực lượng lao động khu vực nông thôn và 21,3% lao động nữ được qua đào tạo. Trong 10 năm qua, cơ cấu việc làm chuyển dịch trong vùng tuy nhanh, song còn thiếu bền vững, chất lượng lao động thấp; dịch chuyển đi ít hơn so với dịch chuyển vào…
Bối cảnh chung đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong việc gắn kết thị trường lao động vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nội. Đó là vấn đề già hóa dân số, gây áp lực lớn trong việc bố trí lực lượng lao động, bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc người cao tuổi; vấn đề di cư, di biến động việc làm chất lượng cao gây ảnh hưởng tới sự ổn định, phát triển của vùng. Những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, gây tác động rất lớn đến vùng, đe dọa đến sinh kế của người dân, nhất là khu vực nông thôn hoặc các khu vực dễ tổn thương. Đặc biệt là vấn đề việc làm phi chính thức, bởi tỷ trọng việc làm khu vực này còn cao, phần đông lao động đang đảm nhận công việc dễ tổn thương (chiếm khoảng 55,9%). Điều này dẫn đến thách thức về năng suất lao động, thu nhập và khả năng tiếp cận thị trường.
Bàn về giải pháp phát triển tiềm năng mạnh hơn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, một trong những vấn đề cần quan tâm là phải tập trung đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chuyển đổi nhân lực cần đi trước một bước, đi tắt đón đầu. Trong chuyển đổi nhân lực, cần quan tâm đến nhân lực chất lượng cao, chú trọng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Phân tích rõ hơn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần bám sát thị trường lao động, các lĩnh vực thuộc kinh tế tri thức phục vụ phát triển; tập trung phát triển nhân lực trong các khu công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao và những ngành nghề tiên phong trong thời gian tới; tăng cường kết nối liên thông với thị trường lao động của vùng khác, các địa bàn phát triển, quốc gia phát triển; đẩy mạnh liên kết trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn nhân lực và xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập... Đặc biệt, các địa phương trong vùng cần tạo hành lang pháp lý để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp đi đôi với cải thiện việc làm cho người lao động và chăm lo hệ thống an sinh xã hội bền vững.
Yêu cầu đặt ra là phải có sự tập trung đầu tư, thu hút mọi nguồn lực xã hội cho phát triển nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề; đồng nghĩa với việc phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.