(HNMO)- Xung đột và bạo lực xảy ra triền miên khắp thế giới đã khiến số lượng người buộc phải rời bỏ nhà cửa tăng vọt lên mức kỷ lục: gần 60 triệu người.
Cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết trong một báo cáo mang tên "World at War" về một con số khổng lồ 59.500.000 người đã dời khỏi nhà của họ trên toàn thế giới vào cuối năm 2014. Đây là "hệ luỵ của tình trạng khủng bố, xung đột, bạo lực hoặc vi phạm nhân quyền".
Con số người tị nạn tăng từ 51,2 triệu trong năm 2013 (37,5 triệu người trong một thập kỷ trước).
Hơn một nửa số người tị nạn trên thế giới là trẻ em, tăng 41% tính từ năm 2009, trong khi tổng số lượng người rời bỏ nhà cửa của họ đã tăng vọt lên 40% chỉ trong ba năm.
Hơn một nửa số người tị nạn trên thế giới là trẻ em |
Chỉ riêng các cuộc xung đột ở Syria và Iraq đã buộc 15 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Trong 5 năm qua, ít nhất 14 cuộc xung đột đã nổ ra trên toàn thế giới, hơn một nửa trong số đó xảy ra ở châu Phi.
Ở tiểu vùng Sahara châu Phi, số lượng người tị nạn tăng trong năm thứ năm liên tiếp, ở mức 3,7 triệu người vào năm 2014.
"Tại châu Âu, hơn 219.000 người tị nạn và người di cư vượt biển Địa Trung Hải trong năm 2014. Con số gần gấp ba lần so với con số được biết khoảng 70.000 người năm 2011", báo cáo cho biết.
Xung đột Ukraine dẫn đến số người tị nạn ở Nga tăng lên 231.800 vào cuối năm 2014.
Quốc gia phải tiếp nhận người tị nạn nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (với khoảng 1,59 triệu người), tiếp theo là Pakistan (1,51 triệu) và Lebanon (1,15 triệu).
UNHCR đã nhận được thông tin hơn 3.500 người đã chết hoặc mất tích ở vùng biển Địa Trung Hải trong năm.
Đối mặt với một làn sóng khổng lồ của người di cư dễ bị tổn thương và người tị nạn mạo hiểm cuộc sống của họ để đến những vùng đất mới hiện đang là vấn đề bức xúc toàn cầu mà chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.