Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán

Thu Trang| 05/07/2022 17:07

(HNMO) - Tại hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe chủ đề “Sức khỏe tâm thần: Trầm cảm sau sinh” diễn ra vào chiều 5-7, TS Vũ Thy Cầm, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trầm cảm sau sinh khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh nhưng nhiều nghiên cứu cũng như các chuyên gia sức khỏe cho rằng, bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh.

Các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ tại hội thảo diễn ra chiều 5-7.

Ở khu vực châu Á, tỷ lệ trầm cảm sau sinh dao động từ 3,5% - 63,3%. Ở Nhật Bản, tỷ lệ này khoảng 14%; ở Singapore từ 6,8% - 21%, Thái Lan 16,8%.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản cho thấy, tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6% - 33%. Các bác sĩ ước tính, gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao như từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay những vấn đề tâm lý khác. 

“Nhiều bà mẹ bị tái phát trầm cảm sau sinh. Có những trường hợp bị trầm cảm sau khi sinh con lần thứ nhất nhưng đến lần thứ hai và thứ ba vẫn bị. Tuy nhiên, do đã được tư vấn ngay từ lần thứ nhất nên bệnh nhân thường phát hiện sớm trong những lần sau”, TS Vũ Thy Cầm nói.

Theo các bác sĩ, một số yếu tố nguy cơ với trầm cảm sau sinh như mang thai trong độ tuổi dưới 18; người mẹ trải qua những sự kiện gây căng thẳng trong tiền sử như bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp…

Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ như: Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm, chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng, hay những mâu thuẫn trong gia đình cũng gây trầm cảm sau sinh.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân M.B (21 tuổi, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) sau khi sinh con được 13 ngày bắt đầu có biểu hiện ngủ kém, hay thức giấc giữa đêm, không giao tiếp với mọi người... Bệnh nhân đã tự ý dùng dao rạch bụng để tự sát. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng khí sắc trầm buồn. Sau 22 ngày điều trị, khí sắc của bệnh nhân đã cải thiện hơn và chủ động nói chuyện, giao tiếp…

Thống kê trong năm 2021, Viện Sức khỏe tâm thần đã tiếp nhận 27 trường hợp trầm cảm, rối loạn tâm thần sau sinh. Đây đều là các ca bệnh nặng, trong đó nhiều trường hợp có ý định tự sát nhưng không thành.

Để hạn chế trầm cảm sau sinh, các chuyên gia khuyến cáo, các bà mẹ học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức, kỳ vọng để trở thành người mẹ hoàn hảo. Ngoài ra, sau khi sinh, các bà mẹ cần ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi khi con đang ngủ hay dành thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè, người thân. 

Về phía gia đình, nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc phụ nữ sau sinh. Đặc biệt, người chồng cần luôn lắng nghe, cảm thông và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.