Gia đình

Làm gì để ngăn chặn nguy cơ trầm cảm sau sinh?

Mai Hoa 13/10/2023 - 14:06

Sáng 13-10, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và Truyền hình Vì trẻ em VTV1 phối hợp tổ chức chương trình “Chuyện nhà: Khi mẹ trầm cảm sau sinh”.

Chương trình có sự tham gia của Thạc sĩ Đoàn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Tham vấn, trị liệu tâm lý Share (Hà Nội).

trao-doi.jpg
Trao đổi giữa Thạc sĩ Tâm lý Đoàn Thị Hương (bên trái) và người dẫn chương trình.

Chuyên gia Đoàn Thị Hương nhấn mạnh: Trong xã hội hiện đại, nhiều người mẹ không có được sự hỗ trợ, chia sẻ công việc và thời gian nghỉ ngơi cần thiết sau sinh, nhất là khi ngay cả người bố cũng không ý thức rõ trách nhiệm và có được sự đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Với trẻ khó nuôi, hay quấy khóc đêm, người mẹ dễ bị suy nhược thần kinh do thường xuyên mất ngủ, cộng thêm những thay đổi về nội tiết, áp lực công việc, sự suy kiệt về thể lực, dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.

doan-huong.jpg
Thạc sĩ Tâm lý Đoàn Thị Hương chia sẻ tại chương trình

Chia sẻ về một số dấu hiệu trầm cảm sau sinh, Thạc sĩ Tâm lý Đoàn Thị Hương cho biết: Một số khảo sát cho thấy, có đến 70-80% phụ nữ sau sinh trải qua “hội chứng trầm cảm thoáng qua” như dễ nhạy cảm, dễ khóc, dễ cảm thấy quá tải, dễ bị tổn thương. Các triệu chứng này chỉ tồn tại tối đa từ 2 đến 3 tuần, sau đó, đa phần sẽ tự phục hồi nếu được nghỉ ngơi, chia sẻ.

Tuy nhiên, nếu sau từ 2 đến 3 tuần mà người mẹ vẫn thường xuyên cảm thấy hoảng hốt, lo lắng, có triệu chứng tăng nặng.. thì phải có sự can thiệp càng sớm càng tốt để ngăn chặn nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Với các trường hợp trầm cảm có dấu hiệu loạn thần (thường chiếm tỷ lệ khoảng 10-20% phụ nữ sau sinh), chuyên gia lưu ý: Cần nhận diện sớm để có sự can thiệp từ xa; đưa người mẹ đi thăm khám sức khỏe sau sinh nếu xuất hiện dấu hiệu căng thẳng tâm lý để sớm kiểm soát nguy cơ. Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng người thân, người quen nêu lên những yêu cầu áp đặt, hoặc có thái độ bình luận phê phán, đổ lỗi mang tính định kiến giới, bình thường hóa sự vất vả của phụ nữ sau sinh, gây tác động không tốt đến hệ thần kinh của người mẹ...

Chuyên gia Đoàn Thị Hương nhấn mạnh: “Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần trước - trong và sau sinh đều rất quan trọng. Tình trạng trầm cảm sau sinh dễ xảy ra đối với các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn, chưa được chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, thể chất, công việc, phải chịu áp lực cao từ môi trường bên ngoài".

Chính vì vậy, những người mẹ sau sinh rất cần có được nguồn lực hỗ trợ từ những người thân xung quanh bằng hành động, thay vì chỉ cho lời khuyên.

Đặc biệt, những người có tiền sử trầm cảm, lo âu hoặc một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác cần được quan tâm nhiều hơn trước khi tình trạng trầm cảm trở nên nghiêm trọng, qua đó, hạn chế tối đa tác động tiêu cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để ngăn chặn nguy cơ trầm cảm sau sinh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.