(HNMO)- Sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu |
Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Về việc ban hành các quy định pháp luật có liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, báo cáo nêu ra một số vướng mắc như: Các văn bản ban hành ở các thời điểm khác nhau nên còn có sự chồng chéo, một số quy định phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn, thiếu ổn định, tính khả thi không cao. Một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định.
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ 2003-2010, các cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó đơn thư thiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm trên 69,79%.
Riêng từ 2008-2011, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo đạt 84%. Số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, khiếu nại có đúng có sai là 28%, khiếu nại sai hoàn toàn chiếm 52,2%. Số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%; có đúng có sai: 29,6% và sai hoàn toàn: 54,2%.
Đánh giá các quyết định hành chính về đất đai, còn một số quyết định bị khiếu nại là do chưa bảo đảm trình tự thủ tục hành chính, thẩm quyền theo luật định, một số nội dung chưa đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống thực tiễn, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân.
Gần 50% đơn khiếu nại của công dân về các quy định hành chính về đất đai là có cơ sở |
Qua số liệu tổng hợp của nhiều địa phương, tỷ lệ các quy định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo chiếm khoảng 3%, so với tổng số quyết định hành chính được ban hành trong lĩnh vực này. Trong đó, tỷ lệ khiếu nại tố cáo đúng, có đúng, có sai chiếm đến 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao.
Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại tòa án, tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần chiếm 19,5%. Qua đó có thể thấy việc khiếu nại tố cáo của công dân là có cơ sở. Việc ra các quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót.
Các nguyên nhân được chỉ ra là do sự bất cập của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai. Chính sách pháp luật về quản lý đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể.
Các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân, khi so bì với quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới. Giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát thị trường, có nhiều chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân.
Sang phần thảo luận, hầu hết các ĐB đều cơ bản tán thành, thống nhất với Báo cáo vừa nêu, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu thêm nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại tố cáo ngày càng tăng và có sở sở là do cán bộ giải quyết vừa thiếu, vừa yếu, có thái độ vô cảm, bàng quan với bức xúc của nhân dân. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo còn đùn đẩy trách nhiệm, cấp trên bao che cho cấp dưới. Việc chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới chưa được thường xuyên.
ĐB này kiến nghị cần sớm hoàn chỉnh chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với tình hình hiện nay; tránh sự bất cập chồng chéo; điều chỉnh kịp thời chính sách hỗ trợ, bồi thường, tái định cư để tránh tình trạng “giá đất cách nhau một con mương chênh lệch tới 5 lần”.
Nhiều ĐB khác cũng đồng tình với việc sửa đổi Luật đất đai và Khiếu nại tố cáo là cần thiết. Bởi sự thiếu đồng bộ, mâu thuẫn chồng chéo hiện nay dẫn đến khó thực hiện. Việc điều chỉnh phải phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương về giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng đất; khẳng định Nhà nước là chủ sở hữu toàn dân về đất đai; bảo đảm cơ chế một giá đền bù đối với đất nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.