(HNMO) - Ngày 16-11, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Anh cho biết, 378 trẻ em làng tái chế chì Đông Mai (Văn Lâm-Hưng Yên) sẽ được tiến hành thải độc chì miễn phí bằng sản phẩm Pectin complex của Ukraina. Đây là thuốc giải độc chì và kim loại nặng đầu tiên được đưa về Việt Nam giúp ngăn chặn và
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra tình hình ô nhiễm tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, Văn Lâm, Hưng Yên Ảnh: SKĐS |
Dự kiến khoảng giữa tháng 12 tới, các trẻ em nói trên sẽ được sử dụng sản phẩm này trong thời gian 2 tháng. Sau đó các chuyên gia sẽ xét nghiệm lại nồng độ chì trong máu của toàn bộ các trẻ này. Trước đó, các kết quả xét nghiệm (từ năm 2007) về mức độ ô nhiễm chì trong môi trường, không khí và cả tỷ lệ trẻ em nhiễm độc chì cho thấy, những ảnh hưởng nguy hiểm của nghề tái chế chì.
Gần đây nhất, như Hànộimới online đã đưa tin, theo kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì trong máu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tiến hành vào giữa tháng 5/2015 cho 618 người (gồm 283 người lớn và 335 trẻ em), trong 317/335 trẻ em đã có kết quả xét nghiệm có tới 207 (chiếm 65,3%) trẻ bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ (có nồng độ chì máu từ 10 - 44,9 µg/dL), chỉ có 110 trẻ (chiếm 34,7%) không bị ngộ độc chì (có nồng độ chì máu dưới 10 µg/dL). Nguyên nhân là trước đây có tới 100 hộ gia đình sản xuất, tái chế chì ngay trong làng. Kết quả kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí, mẫu rau tại làng Đông Mai cao nhiều lần cho phép, đặc biệt mẫu nước lấy tại kênh và rãnh thoát nước vượt 1.000 lần mức cho phép.
Bà Nguyễn Thị Anh cho biết, đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tìm cách tẩy độc chì cho trẻ em nhiễm độc chì tại đây. Bởi trẻ nhiễm độc chì có rất nhiều nguy cơ. Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, dinh dưỡng kém. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, ảnh hưởng sự phát triển trí tuệ, co giật và hôn mê. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động.
Tuy nhiên, điều ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) lo ngại, việc thải độc chì chắc chắn làm được. Thế nhưng, khi về địa phương làm sao để trẻ không bị nhiễm lại đó mới là giải pháp cần tính tổng thể và phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề và cả chính quyền địa phương.
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Anh, 13 hộ sản xuất tái chế chì rải rác, xen lẫn trong dân cư còn lại của làng Đông Mai đã được di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề để loại trừ hoàn toàn chì ra khỏi môi trường. Hiện mức độ ô nhiễm chì tại đây đã tạm ổn. Hằng năm, chính quyền địa phương sẽ tiến hành xét nghiệm lại môi trường để đánh giá lại mức độ ô nhiễm chì nơi đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.