Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần 200.000 thí sinh không có cơ hội vào đại học

Theo Bích Lan/VOV| 29/07/2016 21:14

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, gần 200.000 thí sinh có kết quả thi dưới 15 điểm, không đủ điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH năm 2016.


Tại buổi công bố về điểm sàn diễn ra sáng 28/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, chỉ tiêu để xét vào các trường ĐH, CĐ theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2016 là 317.639 (đã trừ chỉ tiêu xét bằng học bạ). Số thí sinh trên điểm sàn15 tính theo 5 khối truyền thống là 404.282/ tổng số gần 600.000 thí sinh dự thi.

Theo đó, có gần 200.000 thí sinh có kết quả thi dưới 15 điểm, không đủ điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH năm 2016.

Số thí sinh trên sàn (đạt từ 15 điểm trở lên) từng khối cụ thể như sau:

Khối A có195.647 thí sinh

Khối B có 70.850 thí sinh

Khối C có 58.229 thí sinh

Khối A1 có 180.373 thí sinh

Khối B có 210.246 thí sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016



Trả lời câu hỏi của báo chí lo lắng về việc điểm thi môn Ngoại ngữ năm nay thấp có thể sẽ gây khó khăn về nguồn tuyển cho các trường tuyển sinh khối D, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định các trường sẽ không phải lo lắng về điều này.

Trước đây, môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn. Tuy nhiên, từ năm 2015, đây là môn bắt buộc mà tất cả các thí sinh phải thi.

Từ việc chỉ một số thí sinh phải thi đến chỗ tất cả các thí sinh đều phải dự thi là một bước phát triển nhanh và dài trong quyết tâm dạy học môn Ngoại ngữ trong nhà trường.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc thay đổi về chất lượng cần phải có thời gian. Do chỗ tất cả các thi sinh ở các trình độ khác nhau đều phải thi môn này, nhiều em có điều kiện học tập không tốt nên điểm khá thấp.

Trên thực tế, số lượng thí sinh đạt điểm 5 trở lên rất đông dù phổ điểm nằm lệch hẳn về phía tay trái (phía thấp). Đây chính là những thí sinh dự thi khối D. Điều đó có nghĩa là những em quyết tâm thi khối D thì điểm rất là cao chứ không phải thấp. Vì vậy, nguồn tuyển khối D không hề hạn hẹp. Các trường khối D không cần quá lo lắng về việc này. Đây cũng là điều đã được Hội đồng xác định điểm sàn cân nhắc rất kỹ trong cuộc họp về điểm sàn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay, có hơn 100 trường xét tuyển theo học bạ THPT. Như vậy, có khoảng 102.000 thí sinh xét tuyển theo phương thức xét học bạ. Còn lại 320.000 thí sinh sẽ xét tuyển ĐH bằng điểm thi THPT Quốc gia 2016.

Các trường có quyền tuyển sinh theo phương thức bổ sung các tổ hợp mới. Các tổ hợp truyền thống (A, A1, B, C, D) không được dưới 50% chỉ tiêu. Vì vậy, nguồn tuyển sẽ dôi dư ra nhiều.

Vì sao điểm Ngoại ngữ miền núi cao hơn thành phố?

Năm nay, thống kê về mức điểm trung bình môn ngoại ngữ của thí sinh các tỉnh miền núi cao hơn ở các thành phố lớn khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, băn khoăn.

Về điều này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) lý giải: Trong quy chế thi năm nay, về tổng thể môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc.

Tuy nhiên, ở những địa phương nào điều kiện dạy học ngoại ngữ không đảm bảo, thì không bắt buộc thí sinh phải thi môn Ngoại ngữ mà có thể chọn môn khác thay thế.

Vì vậy, ở những vùng khó, phần lớn các thí sinh chọn thi môn khác thay thế. Còn những em đã chọn môn Ngoại ngữ để thi thì hầu hết những em đó học được ngoại ngữ và dự thi với mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.

Ví dụ ở Lào Cai có 524 em dự thi môn Ngoại ngữ thì có đến 502 em là có mục đích để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Vì vậy, rõ ràng 502 em này thì trình độ ngoại ngữ cũng tương đối. Như vậy, số thí sinh dự thi là “tinh hoa” của các địa phương nên dẫn tới chuyện điểm bình quân sẽ cao./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 200.000 thí sinh không có cơ hội vào đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.