(HNM) - Chỉ vì một quyết định mà hàng nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang, trong khi hàng chục hộ dân đã nộp tiền nhưng không được sử dụng đất. Chuyện này xảy ra tại xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) đã hàng chục năm vẫn chưa được giải quyết, gây thắc mắc trong nhân dân.
"Vay" vàng mua đất để chờ...
Chủ tịch UBND xã Thanh Mai Nguyễn Văn Đích cho biết, để giải quyết bức xúc về đất ở, đất kinh doanh dịch vụ, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, từ những năm 1992-1993, UBND xã Thanh Mai và huyện Thanh Oai đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Hà Tây cho phép chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp dọc quốc lộ 21B sang đất ở cho nhân dân. Ngày 1-2-1994, UBND tỉnh Hà Tây ban hành QĐ 57/QĐ-UB, giao UBND huyện Thanh Oai chuyển đổi 6.500m2 đất thuộc xã Thanh Mai thành đất thổ cư, để giải quyết cho nhân dân làm nhà ở. Thực hiện QĐ 57, xã Thanh Mai tiến hành xem xét, giải quyết đất ở cho các hộ dân trong xã, ưu tiên gia đình chính sách, nhiều khẩu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn... được cấp một suất với diện tích 80m2. Ngay sau khi được xét duyệt, 56/59 hộ được giao đất theo QĐ 57 đã nộp đủ số tiền theo quy định (bình quân 14 triệu đồng/suất). Tuy nhiên, khi xã mới tiến hành đo đạc và giao đất ngoài thực địa cho các hộ thì phải dừng lại vì xảy ra khiếu kiện xung quanh việc cấp đất. Sau đó 1 năm, lấy lý do căn cứ vào Công điện 1044 và Chỉ thị 247/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục tình trạng giảm diện tích đất lúa, UBND tỉnh Hà Tây ban hành QĐ 410/QĐ-UB thu hồi lại QĐ 57, chuyển 6.500m2 đất ở trở lại nguyên trạng ban đầu. Điều đáng nói, thời điểm cấp đất giãn dân (QĐ 57 ban hành năm 1994) chưa nằm trong diện điều chỉnh của Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng (ban hành năm 1995).
Khu đất người dân nộp tiền sử dụng nhưng chưa được giao đất. Ảnh: Chí Đạo
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên, thực hiện QĐ 410 là không khả thi và rất khó khăn cho cơ sở vì đa số đối tượng được cấp đất đã xây dựng công trình nhà ở, sử dụng ổn định; các hộ đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, QĐ 410 ban hành, tỉnh Hà Tây không cho chủ trương tạo nguồn kinh phí để hoàn trả các gia đình được cấp đất, dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Tìm hiểu vấn đề này, nhóm PV Hànộimới chứng kiến nhiều cảnh ngộ khó khăn, nhiều hộ đã phải vay cả vàng của anh em họ hàng, thậm chí vay lãi nặng để có tiền nộp. Vậy mà gần 20 năm qua họ vẫn chưa được cấp đất.
Chờ đến bao giờ?
Ngoài các hộ được giao đất ngoài thực địa, tương đương 3.120m2, còn 17 hộ chưa được bàn giao đất mặc dù họ đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, thủ tục theo quy định từ năm 1994. Chủ tịch Nguyễn Văn Đích cho biết, toàn bộ số tiền thu của các hộ dân nộp đã được sử dụng xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Theo Quyết định 410, huyện Thanh Oai và xã Thanh Mai đã thực hiện nghiêm việc giữ nguyên hiện trạng diện tích đất đã chia cho các hộ dân. Tuy nhiên, do quá thiếu đất ở, một số hộ đã đổ đất, san nền và xây dựng nhà trước khi có Quyết định 410; một số hộ lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ để xây dựng nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Xã, huyện đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế nhưng các hộ vẫn cố tình xây vì cho rằng đã nộp đủ tiền, được giao đất công khai. Đến thời điểm này, hầu hết các hộ được giao đất ngoài thực địa đã xây dựng nhà kiên cố và nhà cấp 4 để ở và kinh doanh. Các hộ đã giao tiền chưa được cấp đất, cũng đã xây dựng nhưng chính quyền địa phương cưỡng chế (theo QĐ 410), vật liệu xây dựng vẫn nằm ngổn ngang.
Ông Bùi Văn Sáng, Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Oai cho biết, sau nhiều lần các hộ dân xã Thanh Mai kiến nghị, ngày 20-7-2009, UBND TP Hà Nội đã có Công văn 6886/UBND-TNMT gửi Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu kiểm tra và đề xuất phương án giải quyết. Sở TN&MT đã có Công văn 2872/STNMT-KHTH báo cáo UBND TP phương án giải quyết. Sở TN&MT đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND huyện Thanh Oai rà soát lại đối tượng được giao đất giãn dân và hạn mức giao với 56 đối tượng đã nộp tiền sử dụng theo các tiêu chí trước đây, nếu không có vướng mắc thì cho phép huyện Thanh Oai tiếp tục thực hiện việc giao đất giãn dân theo QĐ 57. Đối với 17 hộ đã nộp tiền nhưng chưa được bàn giao đất, tiếp tục giao vị trí cũ, nếu vị trí dự định được giao trước đây cho các hộ nhưng vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, thì cho phép UBND huyện bố trí quỹ đất khác phù hợp với quy hoạch khu dân cư nông thôn, trên cơ sở đối tượng và hạn mức trước đây không trái với quy định hiện hành.
Phương án giải quyết đã rõ, nhưng sau hơn 2 năm có công văn của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch xã Thanh Mai Nguyễn Văn Đích vẫn cho rằng, chưa biết đến bao giờ các hộ sẽ được nhận đất sau gần 20 năm chờ đợi. Theo Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Oai, các ngành chức năng vẫn phải họp, bàn để thống nhất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Xem ra, việc giải quyết hậu QĐ 57 tại Thanh Mai còn khá nan giải, người dân vẫn phải… chờ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.