(HNMCT) - Lâu nay, nhiều người vẫn vào mạng xã hội mỗi ngày để "lướt" vô số thông tin nhưng thật khó sắp xếp để đọc vài trang sách, khi đứng trước vô số các đầu sách đủ mọi thể loại với những thông tin giới thiệu hấp dẫn lại bối rối không biết nên bắt đầu từ cuốn sách nào. Bởi thế, thử thách đọc sách tưởng như chỉ là một trò chơi nhưng lại góp phần lan tỏa giá trị đọc khi những người chơi thực sự nghiêm túc.
Trào lưu thử thách đọc sách du nhập vào Việt Nam qua mạng xã hội facebook đã vài năm nay, song ban đầu chỉ thịnh hành trong giới trẻ. Có lẽ, ở thời kỳ “sơ khai” ấy, mục tiêu của thử thách hoặc quá cao so với nhiều bạn đọc như yêu cầu đọc 52 cuốn sách/năm (mỗi tuần một cuốn), hoặc quá dễ dàng như liệt kê 10 cuốn sách bạn bất chợt nhớ đến... khiến số lượng người hào hứng tham gia không nhiều.
Cùng với sự đi lên một cách chậm rãi cả về số lượng và chất lượng của văn hóa đọc, mùa hè năm nay, thử thách đọc sách đã bắt đầu “đốn ngã” tầng lớp lớn tuổi hơn, trong đó có không ít những cây viết, nhà phê bình văn học, giảng viên... Sự góp mặt của “đội ngũ đọc chuyên nghiệp” này thực sự mang đến những giá trị thực thụ cho “trò chơi” thử thách đọc sách tại Việt Nam.
Với nhiều người yêu văn hóa đọc và thường xuyên giao lưu về sách trên một số mạng xã hội chuyên biệt thì thách thức đọc sách không quá xa lạ. Mạng xã hội Goodreads, nơi bạn đọc trên toàn thế giới chia sẻ, trao đổi và cập nhật các thông tin liên quan đến sách, từ lâu đã có những thử thách đọc cho người tham gia.
Gõ số lượng sách mục tiêu định đọc trong năm, Goodreads sẽ giúp các thành viên hoàn thành thử thách đọc bằng cách “đong đếm” số lượng sách, xác định số trang để biết cuốn nào dày nhất, cuốn nào mỏng nhất, kiểm tra tiến độ đọc, cảnh báo số sách chưa kịp thực hiện... nhằm hoàn thành mục tiêu đọc do chính mình đề ra. Tuy nhiên, mặc dù Goodreads có hàng chục triệu thành viên với hơn 1 tỷ cuốn sách được xếp trên kệ sách online thì thử thách đọc sách này của Goodreads vẫn thiếu một chút “gia vị” để thực sự thu hút.
Nhằm đa dạng hóa đầu sách cho người đọc, PopSugar, một công ty truyền thông của Mỹ, mỗi năm lại đưa ra một Book Reading Challenge (Thử thách đọc sách) nhằm gợi ý các tiêu chí để các độc giả cùng tham gia. Lâu nay, độc giả thường rất thụ động trong tìm đọc sách, có đôi khi muốn đọc mà lại không biết chọn cuốn nào.
Thử thách đọc sách của PopSugar đưa ra nhiều gợi ý tìm sách rất thú vị và đã nhận được sự hưởng ứng từ phía độc giả như: "Cuốn sách đã được dựng thành phim", "Sách đoạt giải Nobel", "Sách có chữ số trong tiêu đề", "Sách của một tác giả nữ", "Cuốn sách dựa trên câu chuyện có thật", "Đọc lại cuốn sách đã đọc hồi bé", "Cuốn sách có bối cảnh là trường học", "Cuốn sách có nhắc đến động vật"… Theo những gợi ý này, bạn đọc có thể hoàn thành thử thách đọc mỗi năm là 40 cuốn sách, và có thể tăng số lượng sách ở 10 gợi ý thử thách nâng cao.
Bắt nguồn từ chính những gợi ý trên, các phiên bản thử thách đọc sách đã xuất hiện trên mạng xã hội. Không chỉ dừng ở các thử thách mang tính liệt kê như "Kể tên 10 cuốn sách “gối đầu giường”, "Danh sách 10 cuốn sách mà bạn yêu thích nhất", "10 cuốn sách bạn đọc gần đây nhất là gì?"..., hiện nay trên mạng xã hội facebook tại Việt Nam, các phiên bản thử thách đọc sách đi sâu hơn vào giới thiệu nội dung, và thể loại sách được giới thiệu cũng không chỉ dừng ở văn học. Nổi nhất hiện nay là thử thách "7days7books" với mỗi người tham gia sẽ đăng tải lên trang cá nhân của mình hình ảnh cùng vài lời giới thiệu nội dung một cuốn sách yêu thích và sẽ đề cử một người bạn tiếp tục nhận thử thách đọc sách này.
Không bắt buộc phải đăng liên tục mỗi ngày, "7days7books" đủ thời gian để người chơi có thể đọc và giới thiệu cho bạn bè trên trang mạng xã hội. Với những người lớn lên cùng với sách và yêu đọc sách, "7days7books" là cầu nối để người chơi giới thiệu những cuốn sách hay đến bè bạn của mình và chia sẻ niềm vui đọc sách. Tham gia trò chơi đọc sách trên facebook, sau mỗi cuốn sách đăng tải trên trang cá nhân, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa “quyết tâm” mời “những cao nhân ẩn danh trong thiên hạ” chấp nhận thử thách để mang đến những cuốn sách hay đến với số đông mọi người.
Với số lượng sách được giới thiệu nâng lên theo cấp số nhân của mỗi người tham gia, có thể thấy được sức lan tỏa của “game đọc sách” này nếu được hưởng ứng nhiều hơn. Tạo động lực cho những người muốn đọc sách nhưng luôn cảm thấy thiếu thời gian, thử thách "100/10/1" lại yêu cầu người tham gia cam kết đọc sách liên tục trong 100 ngày với ít nhất 10 trang/ngày, nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ tự nguyện đóng góp 1 cuốn sách cho tủ sách dành cho trẻ em nghèo...
Thông qua những “game sách” này, rất nhiều cuốn sách hay đã được “điểm danh” để đến với những người chưa biết đến. Chị Phạm Thanh Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Tình cờ đọc được những dòng giới thiệu trên facebook của một người bạn tôi mới biết về trào lưu thử thách đọc sách. Tôi thấy thật hữu ích vì biết thêm được những cuốn sách hay. Trào lưu này nên được nhân rộng để giới thiệu được nhiều sách hay đến mọi người. Sự giới thiệu từ bạn bè thường đáng tin cậy và phù hợp hơn”.
Khi công nghệ 4.0 đã tràn vào mọi lĩnh vực thì sử dụng chính công nghệ ấy để lan tỏa những thói quen tốt, trong đó có đọc sách, là điều rất nên thực hiện. Khuyến khích những người xung quanh tiếp cận đến sách bằng cách chia sẻ những giá trị đọc là góp phần bồi đắp văn hóa đọc trong cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.