(HNM) - Trong những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021, khi mọi người, mọi nhà đang đoàn tụ, sum vầy bên gia đình, người thân, thì lực lượng chống dịch cùng nhiều y, bác sĩ trên mọi miền Tổ quốc vẫn làm việc xuyên Tết. Gác lại niềm hạnh phúc riêng, họ đang nỗ lực ngày đêm đẩy lùi dịch bệnh, tập trung chữa bệnh cứu người để mang lại một cái Tết bình yên cho cộng đồng.
Làm việc xuyên Tết, xuyên đêm…
Tính đến sáng 14-2 (tức mùng 3 Tết), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 32 ca mắc Covid-19 kể từ khi dịch tái xuất hiện tại tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh. Riêng trong 4 ngày Tết (từ 30 Tết đến sáng mùng 3 Tết), Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc mới, đều là những trường hợp F1 đã được cách ly tập trung, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội những ngày Tết đã cơ bản được kiểm soát. Để có được kết quả này là cả sự hy sinh rất lớn của lực lượng cán bộ chống dịch. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho biết, xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021, do đó, ngay cả trong thời gian nghỉ Tết, lực lượng chống dịch của Thủ đô vẫn làm việc. Từ chiều 28 đến sáng mùng 2 Tết, 300 nhân viên y tế đã được huy động để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và họ đã phải làm việc xuyên đêm để kịp tiến độ. Kết quả, 12.302 mẫu xét nghiệm sàng lọc đều âm tính.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt chia sẻ, để người dân được đón cái Tết trọn vẹn, bình an, các cán bộ chống dịch đã phải làm việc xuyên đêm để xét nghiệm, truy vết “thần tốc”, cách ly kịp thời, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lan rộng. Thậm chí, có ngày cán bộ CDC phải làm việc tới hơn 300% công suất, nhưng mọi người vẫn hết mình vì công việc...
Ngay cả với những y, bác sĩ đã nhiều năm trực Tết, nhưng với họ, Tết năm nay thật đặc biệt. Với khoảng 200 bệnh nhân, Bệnh viện Dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương hiện là một trong những cơ sở điều trị cho nhiều ca Covid-19 nhất. Đến mùng 3 Tết là sang ngày thứ 18 bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cùng nhiều y, bác sĩ được điều động “cắm chốt” tại nơi đây. “Năm nay, không được về quê ăn Tết dù nhớ gia đình, song chúng tôi luôn cảm thấy tự hào khi được góp sức mình vào cuộc chiến chống “giặc” Covid-19”, bác sĩ Vũ Minh Điền chia sẻ.
Ngoài 30 cán bộ y tế của Bộ Y tế và các bệnh viện, thay vì về quê đón Tết, khoảng 400 giáo viên và 600 sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cũng đã ở lại tâm dịch Hải Dương. Ngay sáng mùng 3 Tết, 300 sinh viên của trường cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng cho người làm việc tại các khu công nghiệp ở huyện Cẩm Giàng. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, với các “chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống dịch không có khái niệm Tết, không có ngày nghỉ...
Mong một năm mới bình an
Cùng với các “chiến sĩ chống dịch”, tại các bệnh viện vào đêm Giao thừa hay các ngày Tết, những y, bác sĩ vẫn phải căng mình giành giật sự sống cho người bệnh. Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ sáng 10-2 (tức 29 Tết) đến sáng 14-2 (tức mùng 3 Tết), các cơ sở khám, chữa bệnh đã thường trực cấp cứu, đón hơn 10.700 em bé chào đời; khám, cấp cứu hơn 169.799 bệnh nhân, tăng 10% so với Tết năm ngoái...
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trong mỗi ngày Tết có khoảng 250 cán bộ, y, bác sĩ trực. Bác sĩ Lê Nguyên Vũ trực tại Khoa Cấp cứu cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện phẫu thuật cấp cứu cho khoảng 30 trường hợp.
Vào đêm 30 Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và đón Giao thừa trực tuyến đặc biệt với 18 điểm điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại đây, người đứng đầu ngành Y tế xúc động nói: “Các chiến sĩ áo trắng sẵn sàng đi mọi nơi có dịch bệnh, xa gia đình hàng tháng trời, ngay cả trong dịp Tết... Tôi mong nhất bình an, nếu không có dịch bệnh, thì chúng ta sẽ bình an. Mong các đồng chí tiếp tục cố gắng, chúng ta quyết tâm chiến thắng dịch bệnh”.
Lời chúc đầu năm mới của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói thay cho ước mơ của mỗi người dân. Song, muốn không còn dịch bệnh, muốn cuộc sống được trở lại bình thường, có lẽ, nỗ lực phải đến từ mỗi người. Hãy hạn chế giao lưu khi không cần thiết và khi đến những nơi đông người phải thực hiện nghiêm túc thông điệp "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế. Như thế mới giúp công việc của những y, bác sĩ không có Tết bớt chất chồng.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.