(HNMO) - Trong bối cảnh số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã tăng lên tới 2.936.386 ca, 203.703 người tử vong, ngày 26-4, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã phát động sáng kiến mới nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận các thiết bị y tế để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Trong tuyên bố phát động sáng kiến mang tên "Đẩy nhanh việc tiếp cận thiết bị y tế chống Covid-19 (ACT), Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, ông Mohammed al-Jadaan, cho biết các nền kinh tế G20 vẫn đang hợp tác với nhau để khắc phục tình trạng thiếu hụt ngân quỹ dành cho việc phòng, chống dịch bệnh, ước tính 8 tỷ USD.
Việc tăng cường nguồn ngân quỹ này sẽ giúp đẩy nhanh việc tiếp cận các thiết bị y tế chống Covid-19. Ông nhấn mạnh nhóm này sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác toàn cầu trên mọi mặt trận, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách dành cho y tế. G20 cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước, các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm, từ thiện và khu vực tư nhân hỗ trợ việc giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân quỹ phòng, chống dịch bệnh.
Cùng ngày, các quan chức Singapore cho biết đang khẩn trương dựng thêm một số bệnh viện dã chiến tại các khu trung tâm triển lãm trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng mạnh tại nước này. Một trong những cơ sở đó là Trung tâm triển lãm Changi, nơi thường tổ chức Triển lãm hàng không Singapore – triển lãm hàng không lớn nhất châu Á – có thể phục vụ tới hơn 4.000 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và đang phục hồi. Khu trong nhà cung cấp giường bệnh cho 2.700 người, trong khi khu ngoài trời đang được mở rộng với 1.700 giường bệnh.
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát tốc độ gia tăng số bệnh nhân Covid-19, Anh đã bắt đầu triển khai các đơn vị xét nghiệm lưu động trên khắp cả nước với mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm/ngày. Bộ Y tế Anh cho biết, hiện đã có 8 đơn vị xét nghiệm được quân đội hỗ trợ bắt đầu tỏa đi các địa phương thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Đối tượng ưu tiên xét nghiệm là những người làm việc tại các nhà dưỡng lão, trong ngành cảnh sát và trại giam. Dự kiến, trong tháng 5, Anh sẽ triển khai thêm 96 đơn vị xét nghiệm lưu động trên cả nước. Cùng ngày, Chính phủ Anh thông báo, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ trở lại làm việc từ ngày 27-4 sau gần 1 tháng vắng mặt để điều trị Covid-19.
Tại Pháp, Hội đồng khoa học nước này đã kiến nghị chính phủ đưa ra quy định bắt buộc học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 18 tuổi đeo khẩu trang khi tới trường nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Đối với trẻ em từ 4 đến 11 tuổi, Hội đồng cho rằng quy định này khó có thể thực hiện được.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, từ ngày 2-5 tới, người dân nước này sẽ có thể ra khỏi nhà để tập thể dục thể thao và đi dạo cùng người thân nếu tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực như thời điểm hiện nay. Đây là động thái mới nhất nhằm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt nghiêm ngặt tại Tây Ban Nha từ ngày 15-3. Cũng theo quy định mới, lần đầu tiên sau 6 tuần, từ ngày 26-4, trẻ em dưới 14 tuổi cũng có thể ra khỏi nhà 1 tiếng/ngày trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h và không được đi xa nhà quá 1km. Người lớn có thể đưa tối đa 3 trẻ em ra ngoài, song vẫn phải bảo đảm quy định cách nhau 2m.
Trong khi đó, Mexico đã giải mã thành công bộ gen hoàn chỉnh của vi rút SARS-CoV-2. Sau khi phân tích mẫu bệnh phẩm của các ca lây nhiễm từ nước ngoài, các nhà khoa học đã xác định được 2 biến thể của vi rút trên và chứng minh được rằng hầu hết các chủng của vi rút đến từ nhiều vùng khác nhau của châu Âu. Theo Bộ Y tế Mexico, việc theo dõi sự tiến hóa của bộ gen vi rút là rất quan trọng để phát hiện sự đột biến và thay đổi hành vi của vi rút từ mức độ lây nhiễm, sự xuất hiện của các biến thể kháng thuốc hoặc làm giảm hiệu quả của vắc xin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.