Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ford Ranger và Volkswagen Amarok sẽ là anh em sinh đôi?

Hoàng Linh| 04/09/2018 10:13

(HNMO) - Được hé lộ lần đầu vào tháng 6, mục tiêu thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược giữa tập đoàn ô tô Mỹ Ford và đối tác Đức Volkswagen với trọng tâm về các loại xe thương mại hạng nhẹ đã nhận được sự quan tâm lớn.

Ford Ranger thế hệ mới sẽ chia sẻ nền tảng với Volkswagen Amarok?


Chia sẻ với báo giới, một lãnh đạo cao cấp của Volkswagen khẳng định, sự hợp tác sẽ không bị chi phối hoàn toàn bởi tập đoàn Đức. Đây là cam kết hết sức quan trọng, trong bối cảnh Volkswagen vượt trội so với Ford về năng lực tổng thể, đặc biệt là về kết quả kinh doanh.

Cụ thể, trong năm 2017, hãng xe lớn nhất châu Âu đã thu về 268 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 156 tỷ USD của Ford. Xét trên phương diện số xe bán ra, Volkswagen đã đưa 10,7 triệu xe tới tay khách hàng trong năm vừa qua (bao gồm cả xe thương mại hạng nặng), vượt xa mức 6,6 triệu xe của Ford. Về thị phần, Volkswagen cũng ưu thế hơn đối tác.

Về lĩnh vực xe du lịch, Ford và Volkswagen đã từng có quan hệ hợp tác trong thập niên 90 của thế kỉ trước, với thành quả là bộ đôi Ford Galaxy và Volkswagen Sharan. Bản thân Chủ tịch phụ trách thị trường toàn cầu Ford Jim Farley cũng lạc quan về quan hệ hợp tác mới, bởi chu kỳ sản phẩm của hai bên khá tương đồng và hoàn toàn có thể sản xuất chéo để cải thiện hiệu quả trên quy mô toàn cầu.

Về phần mình, Giám đốc điều hành Xe thương mại hạng nhẹ Volkswagen Thomas Sedran cho biết, việc các tập đoàn xe phải chuyển mình để thích ứng với môi trường kinh doanh biến động không ngừng là điều cần thiết vào lúc này và mối quan hệ hợp tác với Ford, vốn đã nằm trong Chiến lược tập đoàn Volkswagen tới 2025, là một điển hình.

Hai bên ban đầu sẽ cùng xúc tiến các dự án xe thương mại hạng nhẹ. Quan điểm này sẽ mở ra khả năng "sinh đôi" của hai chiếc bán tải cỡ nhỏ ăn khách Ford Ranger và Volkswagen Amarok.



Volkswagen Amarok từng chia sẻ nhiều thành phần từ Toyota Hilux và có kích thước nhỉnh hơn các xe trong phân khúc bán tại hạng nhẹ.


Bên cạnh việc giúp cắt giảm chi phí phát triển sản phẩm mới trong mảng xe thương mại hạng nhẹ, việc kết nối kĩ sư của hai bên cũng sẽ đem tới nhiều ích lợi, bởi xe van của Volkswagen vẫn luôn có vị thế lớn trên thị trường, trong khi Ford cũng là lá cờ đầu về xe bán tải vào lúc này.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nằm ở khả năng chia sẻ nền tảng của các mẫu xe còn lại trong danh mục sản phẩm của hai bên. Ford mới chỉ vừa tung ra nền tảng C2 mới (ra mắt cùng Focus MK-IV), đồng nghĩa rằng MQB của Volkswagen sẽ không phải là mối quan tâm lớn của hãng xe Mỹ.

Ngược lại, nền tảng CD6 (sẽ là tiền đề của Explorer và Mustang thế hệ tiếp theo) cũng không thể triển khai trên các xe Touareg hay Arten (dựa trên Passat) của Volkswagen.

Trước thực trạng này, việc đặt điểm khởi đầu ở bán tải Ranger và Amarok là lựa chọn hợp lý và chắc chắn đem lại lợi ích cho cả hai bên. Thực tế, Mazda và Isuzu cũng sẽ làm điều tương tự với BT-50 và D-Max, trong khi Renault và Nissan lâu nay đã triển khai chia sẻ rất tốt đối với Alaskan và Navara. Thậm chí, Mitsubishi Triton phiên bản tiếp theo cũng sẽ chia sẻ nhiều thành phần của Navara.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu bài toán này sẽ ảnh hưởng thế nào tới những dòng xe "anh em" khác của những chiếc van và bán tải, ví dụ như Everest hay chiếc SUV mới dựa trên Amarok (mà Volkswagen sẽ dùng để cạnh tranh với Toyota Fortuner) chẳng hạn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ford Ranger và Volkswagen Amarok sẽ là anh em sinh đôi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.