Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ công bố quyết định giữ lãi suất ở mức hiện tại - mức cao nhất trong 22 năm vào ngày 1 – 11, vì cơ quan này đang có chiều hướng giải quyết lạm phát mà không làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ.
Các nhà giao dịch kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp thứ hai liên tiếp trong bối cảnh FED quyết tâm sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2%. Các nhà kinh tế của Bank of America đã viết trong một báo cáo gần đây: “Bình luận của FED gần như đã xác nhận rằng FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 11”.
Việc FED tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát sẽ làm tăng chi phí vay từ ngân hàng, giảm hoạt động kinh tế và làm suy yếu thị trường lao động.
Kể từ khi đạt đỉnh hơn 7% vào tháng 6 năm ngoái, lạm phát của Mỹ đã giảm hơn một nửa, mặc dù vẫn ở mức trên 3%. Theo dữ liệu của CME Group, các nhà giao dịch cho rằng xác suất 99,9% FED sẽ bỏ phiếu giữ lãi suất ổn định trong tháng 11.
Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên đối với nhiều nhà phân tích, chính sách lãi suất tích cực của FED đã không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái và có vẻ như điều đó khó xảy ra trong tháng tới.
Trên thực tế, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã thúc đẩy mức tăng trưởng hằng năm cao hơn dự kiến là 4,9% trong quý III, dựa trên mức tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm. Đồng thời, việc tuyển dụng đã tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp lịch sử.
Ngay sau khi số liệu GDP mới nhất được công bố, Tổng thống Joe Biden nói trong một tuyên bố hôm 26-10: “Tôi chưa bao giờ tin rằng chúng ta cần đến một cuộc suy thoái để giảm lạm phát và hôm nay chúng ta lại thấy rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi lạm phát đã giảm”.
Một yếu tố khác đè nặng lên FED khi cơ quan này cân nhắc xem có nên giữ ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn chính hay không. Trong khi lãi suất ngắn hạn chính của FED chủ yếu ảnh hưởng đến lãi suất vay do các ngân hàng đưa ra thì lãi suất trái phiếu kho bạc quyết định “mọi thứ từ lãi suất thế chấp đến lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu đô thị”, nhà kinh tế trưởng của KPMG, Diane Swonk, viết trong một lưu ý gần đây cho khách hàng.
Đầu tháng này, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết lập trường chính sách hiện tại là “hạn chế”, cho thấy chính sách tiền tệ đang có tác dụng gây “áp lực giảm đối với hoạt động kinh tế và lạm phát”.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà phân tích mong đợi FED giữ lãi suất ổn định dù cơ quan này vẫn có thể tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay nếu cần.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank lưu ý với nhà đầu tư rằng việc tăng lãi suất vào tháng 11 là "không thể bàn cãi", đồng thời chỉ ra rằng việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ "phụ thuộc vào việc liệu các điều kiện tài chính thắt chặt có được duy trì hay không và sự phát triển của nền kinh tế".
Và các nhà kinh tế của Bank of America kỳ vọng đợt tăng lãi suất cuối cùng sẽ vào tháng 12 tới do dữ liệu kinh tế "vững mạnh" được ghi nhận trong tháng 9.
Trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường, các quan chức FED đã cảnh báo rằng cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas ở Gaza có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
“Căng thẳng địa chính trị đang tăng cao và gây ra rủi ro nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế toàn cầu”, ông Powell cảnh báo trong bài phát biểu gần đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.