(HNMO) - Quốc hội vừa thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), được ví như tuyến “cao tốc” cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc về những vấn đề liên quan.
- Theo ông, chúng ta nên hiểu tác động do EVFTA mang lại một cách tổng thể như thế nào?
- Thời gian qua, Chính phủ cũng như hệ thống cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hiệp định này. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) tăng thêm khoảng 20% trong năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với kịch bản nếu không có hiệp định. Cần nhấn mạnh, EU có thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị hàng đầu thế giới và đó là những yếu tố đắt giá, có thể bổ trợ cho Việt Nam thông qua hợp tác kinh tế. Trên thực tế, chúng ta đã biết nhiều về tác động to lớn, nhiều mặt; đặc biệt là về xuất khẩu khi thực thi EVFTA qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Chưa kể, việc tăng cường giao thương, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ là yếu tố tích cực để thúc đẩy làn sóng đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam, từ đó hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển với đối tác trong nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
- Tác dụng cụ thể đối với doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
- Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm thì xóa bỏ đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, có thể nói, gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Tính đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Thực tế trên càng có ý nghĩa khi EU luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Đặc biệt, một số ngành chủ lực, có sản phẩm xuất khẩu nhiều năm qua vào EU như dệt may, da giày, thủy sản... sẽ đứng trước nhiều cơ hội mới và hứa hẹn được hưởng lợi nhiều nhất thông qua EVFTA. EU là khu vực thị trường có sức mua cao, với 450 triệu người tiêu dùng, GDP đạt hơn 15.000 tỷ USD/năm. Đây là những yếu tố thuận lợi, thời cơ rất lớn, nhất là đối với hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế.
- Ông nhận xét gì về việc chuẩn bị, sẵn sàng tận dụng các điều kiện thuận lợi do EVFTA mang lại của doanh nghiệp trong nước?
- Trước hết, nhận thức là cả quá trình. Theo tôi, không ít doanh nghiệp đã và đang chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến hiệp định này, nhưng phần lớn là đơn vị có quy mô vừa và lớn hay những tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Họ muốn biết và mong đợi thực thi hiệp định để tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi, nhất là trong việc cắt giảm thuế suất nhằm tăng cường xuất khẩu vào EU. Đó là phản ứng tích cực của bất kỳ đơn vị kinh doanh nào, nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu luôn trong cuộc cạnh tranh gay gắt tại hầu hết các thị trường giàu tiềm năng.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị đủ tâm thế để có thể nắm bắt thời cơ xuất khẩu vào EU. Cách đây một năm, VCCI đã công bố kết quả khảo sát cho thấy, hơn 70% doanh nghiệp chưa tìm hiểu về EVFTA trong khi yêu cầu đặt ra là phải tìm hiểu kỹ, chủ động chuẩn bị và sẵn sàng vận dụng những lợi ích, yếu tố có lợi trong giao thương để tăng cường xuất khẩu; đặc biệt là từng bước tạo lập khả năng tăng trưởng xuất khẩu nhanh và bền vững. Đến nay, tình hình có thể đã cải thiện hơn, nhưng không thể nói là tất cả doanh nghiệp đều đã đáp ứng tốt yêu cầu này.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tuyên truyền những nội dung liên quan đến EVFTA cũng như yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu khi hiệp định có hiệu lực nhưng đã có một số cuộc chứng kiến số lượng học viên tham gia rất thưa thớt. Theo tôi, cần cảnh báo về sự thờ ơ trước quyền lợi sát sườn của một bộ phận doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần thay đổi ngay thái độ này trước khi quá muộn trong bối cảnh thương mại tự do.
- Vậy gợi ý ở đây là gì, thưa ông?
- Theo tôi, cần có sự chuyển biến nhanh chóng về nhận thức để hành động, càng sớm càng tốt. Như đã biết, EU là thị trường khó tính, với rất nhiều quy định nghiêm ngặt không thể nhân nhượng, nhất là về yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các yêu cầu, chi tiết cụ thể đã được tổng hợp, cập nhật và sẵn sàng tại các văn bản hướng dẫn, trên phương tiện thông tin đại chúng và chỉ cần doanh nghiệp quan tâm, nắm bắt để thực hiện tốt mà thôi.
Ngoài ra, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để hoàn thiện chuỗi sản xuất - cung ứng nội địa; từ đó bảo đảm nguồn cung cho sản xuất hàng xuất khẩu sang EU. Đó cũng là điều kiện giúp bảo đảm xuất khẩu bền vững nói chung.
Tóm lại, có thể ví EVFTA là “đường cao tốc”, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng Việt nhưng không “miễn phí” với tất cả doanh nghiệp muốn tham gia. “Quả bóng” đã trong chân mình, nhưng sút thế nào cho hiệu quả, đẹp mắt lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự linh hoạt, tài hoa của mình.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.