(HNMO) - Ngày 25-6, Hội đồng châu Âu đã thông qua 2 hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström trong phiên làm việc kết thúc quá trình rà soát pháp lý EVFTA. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN) |
Hai hiệp định này sẽ mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam, đồng thời tăng cường việc tôn trọng các quyền về lao động, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hiệp định Paris.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hoan nghênh quyết định của các nước thành viên EU. Quan chức EU nhận định, sau Singapore, hiệp định về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư với Việt Nam là hiệp định thứ hai mà EU hoàn thành với một quốc gia Đông Nam Á. Đây là những hòn đá tảng thúc đẩy sự liên kết lớn hơn giữa châu Âu và khu vực này.
Ủy viên Thương mại của EU Cecilia Malmstrom nhận định, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn và năng động với trên 95 triệu người tiêu dùng và cả hai sẽ được hưởng lợi lớn từ quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn. Vượt xa các lợi ích rõ ràng về kinh tế, các hiệp định này cũng hướng tới củng cố hơn nữa việc tôn trọng các quyền về con người, bảo vệ môi trường và các quyền của người lao động.
EVFTA sẽ xóa bỏ hầu hết các mức thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía theo cách thức lũy tiến, đồng thời vẫn tôn trọng các nhu cầu phát triển của Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm các điều khoản cụ thể dỡ bỏ các trở ngại về mặt kỹ thuật và bảo đảm 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU được công nhận và bảo hộ về Chỉ dẫn Địa lý tại Việt Nam. Nhờ EVFTA, các công ty châu Âu có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước.
Bên cạnh việc đưa ra những cơ hội kinh tế lớn, EU và Việt Nam cũng nhất trí về các biện pháp phát triển bền vững, bao gồm cam kết triển khai hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. EVFTA cũng ràng buộc hai bên phải tôn trọng và triển khai có hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các quyền căn bản của người lao động.
Trong khi đó, EVIPA bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư, cho phép thực thi và triển khai thông qua hệ thống tòa án về đầu tư, song song với việc bảo đảm các chính phủ có quyền điều tiết lợi ích của công dân. Hiệp định này sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, triển khai một khung pháp lý mới ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường tính minh bạch.
Sau khi được Hội đồng châu Âu thông qua, 2 hiệp định này sẽ được EU và Việt Nam ký và trình lên Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn. Sau đó, EVFTA được coi là chính thức hoàn tất và có hiệu lực, trong khi EVIPA cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU theo các tiến trình nội bộ của từng nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.