(HNMO) - Ngày 25-5, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố báo cáo về “Phát triển bền vững ở Liên minh châu Âu”, trong đó cung cấp thông tin về tiến độ đạt được những mục tiêu bền vững.
Báo cáo cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tiến bộ đối với hầu hết các mục tiêu trong 5 năm qua, phù hợp với những ưu tiên của Ủy ban châu Âu (EC) trong các lĩnh vực chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu, Chương trình hành động môi trường lần thứ 8 và Kế hoạch hành động trụ cột châu Âu về quyền xã hội.
Những dữ liệu cũng thể hiện thành tựu của EU đối với các mục tiêu kinh tế - xã hội, dự kiến đạt được nhiều tiến bộ hơn ở lĩnh vực môi trường trong bối cảnh các quốc gia thành viên thúc đẩy những mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận xanh châu Âu.
Lần đầu tiên, báo cáo cũng đưa ra những phân tích về tác động ngắn hạn của các cuộc khủng hoảng hiện tại như cú sốc năng lượng và dư chấn của đại dịch toàn cầu Covid-19 đối với những mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với những mục tiêu phát triển bền vững, EU đã đạt được nhiều tiến bộ trong đảm bảo tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững. Năm 2022, tỷ lệ việc làm của khối này đạt mức kỷ lục 74,6%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dài hạn giảm mạnh.
Các mục tiêu giảm nghèo và cải thiện bình đẳng giới cũng cho thấy nhiều tín hiệu đáng khích lệ. Tỷ lệ người chịu gánh nặng chi phí nhà ở đã giảm đáng kể từ năm 2015 và thu nhập tính theo giờ của phụ nữ đang bắt kịp với thu nhập tương tự của nam giới.
EU cũng đạt được tiến bộ trong việc giảm tình trạng bất bình đẳng, đảm bảo chất lượng giáo dục, thúc đẩy hòa bình và an ninh cá nhân trong phạm vi lãnh thổ EU, đồng thời cải thiện niềm tin vào các thể chế.
Khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân số giàu và nghèo được thu hẹp. EU đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu 45% dân số có bằng đại học. An ninh ở khối này cũng trở nên an toàn hơn trong vài năm qua do tỷ lệ phạm tội giảm. Các mục tiêu về sức khỏe, hạnh phúc, đổi mới và cơ sở hạ tầng cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực bất chấp tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Đối với hành động khí hậu, EU đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2030. Để đáp ứng những đòi hỏi ngày một cao, khối này đã đưa ra các biện pháp chính sách như sửa đổi hệ thống giao dịch phát thải (ETS) và quy định ràng buộc mức phát thải khí nhà kính hằng năm đối với các quốc gia thành viên.
Về mục tiêu sự sống trên đất liền, EU cần những nỗ lực bổ sung để đảo ngược quá trình suy thoái của các hệ sinh thái được đề cập trong các chiến lược về đa dạng sinh học, rừng và đất đai, trong đó đặt ra mục tiêu khôi phục đất thoái hóa và chống sa mạc hóa đến năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.