(HNMO) – Ngày 4/12, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để thảo luận về khả năng ngừng Hiệp ước đi lại tự do Schengen.
Người di cư tại đảo Lesbos của Hy Lạp tháng 10/2015 |
Việc phải sử dụng đến biện pháp khẩn cấp đặc biệt này cho thấy dự án hội nhập 20 năm của Liên minh châu Âu đã bị đe dọa nghiêm trọng như thế nào trước sức ép chính trị của ít nhất 1,2 triệu người di cư đang tràn vào lục địa già trong năm nay.
Trong tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp trên, Luxembourg, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch, đã viện dẫn Điều khoản 26 của Hiệp ước Schengen để ngỏ khả năng EU sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất trong tiến trình hội nhập của tổ chức này.
Nếu các Bộ trưởng Nội vụ EU ủng hộ đề xuất tạm ngưng Hiệp ước Schengen, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất đóng cửa một hoặc nhiều khu vực biên giới trong khối Schengen trong hai năm tới. Ngoài ra, các trạm kiểm soát biên giới vừa được thiết lập hồi mùa hè vừa qua giữa một số nước thuộc khối này gồm Áo và Đức sẽ tiếp tục được duy trì.
Cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ diễn ra sau khi EU cảnh báo Hy Lạp xem xét lại các biện pháp ứng phó trước cuộc khủng hoảng di cư, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài hoặc phải đối diện với nguy cơ bị đình chỉ tư cách thành viên của Hiệp ước Schengen.
Trong khi đó, một số nguồn tin ở Luxembourg cho biết không chỉ có Hy Lạp nằm trong diện có thể bị đình chỉ mà còn một số quốc gia khác trong EU cũng đang đối diện với nguy cơ này.
Ngoài ra, đề xuất tạm ngưng Hiệp ước Schengen có thể cho phép các quốc gia như Đức, Áo, Pháp và Thụy Điển thắt chặt và mở rộng thời gian áp dụng các quy định kiểm soát ở biên giới hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.