Theo Euronews, ngày 4-7, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng thuế quan tạm thời đối với việc nhập khẩu xe điện chạy bằng pin (BEV) sản xuất tại Trung Quốc, lên tới 38% từ ngày 5-7.
Đây là một động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa EU và Bắc Kinh.
EU đã xác nhận trong một thông cáo báo chí vào ngày 4-7 rằng, theo cuộc điều tra chống trợ cấp, EU sẽ áp dụng thuế tạm thời đối với ba nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Theo đó, nhà sản xuất MG SAIC Motor Corp. phải đối mặt với mức thuế 37,6% ngoài mức thuế hiện hành là 10%, trong khi chủ sở hữu Volvo Car AB là Geely và BYD Co. sẽ phải chịu thêm các khoản phí bổ sung lần lượt là 19,9% và 17,4%.
Bước đi này, được đưa ra vào đầu tháng 6, là kết quả của một cuộc điều tra chuyên sâu phát hiện ra các khoản trợ cấp được bơm vào toàn bộ chuỗi cung ứng BEV được sản xuất tại Trung Quốc và từ các công ty trong nước và nước ngoài.
Quy mô trợ cấp tuyệt đối cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp BEV với mức giá thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm lắp ráp trong EU, nơi chi phí năng lượng và lao động cao hơn nhiều. Khoảng cách giá đã gây ra sự gia tăng nhanh chóng trong việc nhập khẩu BEV do Trung Quốc sản xuất, từ 3,9% thị phần vào năm 2020 lên 25% vào cuối năm 2023, theo Ủy ban châu Âu (EC).
EC cảnh báo, làn sóng nhập khẩu giá rẻ này gây ra "mối đe dọa gây tổn hại kinh tế" cho các đối thủ cạnh tranh của EU, có thể dẫn đến những tổn thất không bền vững và đe dọa hơn 12 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong khối. Do đó, thuế quan là cần thiết để bù đắp lợi thế do trợ cấp mang lại.
Các quốc gia thành viên EU sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong hai tuần nữa nhưng điều này sẽ không mang tính ràng buộc và nhằm mục đích thử nghiệm. Thuế quan sẽ vẫn được áp dụng cho đến khi có quyết định cuối cùng vào tháng 11 tới, tùy thuộc vào cuộc bỏ phiếu của 27 quốc gia thành viên.
Đức và Hungary nằm trong số những nước có khả năng phản đối, mặc dù họ có thể không đạt được số lượng cần thiết để phá vỡ sáng kiến này (với ít nhất 15 quốc gia thành viên).
Trong khi đó, Brussels và Bắc Kinh sẽ thảo luận về các giải pháp khả thi có thể ngăn chặn việc áp dụng thuế quan vĩnh viễn.
Tuy nhiên, hy vọng về một bước đột phá vẫn còn thấp. Bắc Kinh đã phản đối cuộc điều tra của EU, gọi đó là "hành động bảo hộ trắng trợn" và tuyên bố "sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.