Mỗi năm một lần, giới Quốc tế ngữ (QTN) toàn cầu mở đại hội của mình (viết tắt là UK), luân phiên ở một nước trên thế giới có phong trào QTN hoạt động. Đi liền với UK, là đại hội của thanh niên QTN toàn cầu (viết tắt là IJK) diễn ra tại một nước lân cận để thuận tiện cho việc đi lại của các đại biểu muốn đi dự cả hai đại hội.
* Hai đại hội lớn nhất trong năm của giới Quốc tế ngữ toàn cầu diễn ra tại Hà Nội
Mỗi năm một lần, giới Quốc tế ngữ (QTN) toàn cầu mở đại hội của mình (viết tắt là UK), luân phiên ở một nước trên thế giới có phong trào QTN hoạt động. Đi liền với UK, là đại hội của thanh niên QTN toàn cầu (viết tắt là IJK) diễn ra tại một nước lân cận để thuận tiện cho việc đi lại của các đại biểu muốn đi dự cả hai đại hội.
Một sự kiện đặc biệt là cả hai đại hội nói trên trong năm nay đều diễn ra ở Việt Nam và đều ở Hà Nội. UK lần thứ 97 (UK-97) khai mạc ngày 29-7 kéo dài đến ngày 4-8 và IJK lần thứ 68 (IJK-68) khai mạc ngày 5-8, bế mạc ngày 12-8.
Gần một nghìn bạn bè từ hơn 60 quốc gia trên thế giới đang tập trung về đây khai hội với chúng ta, mang đến cho chúng ta hơi thở nồng ấm của tình bè bạn khắp năm châu; tình yêu hòa bình, tình hữu nghị, để cùng nhau hợp tác và phát triển; là cơ hội để quảng bá đất nước mình với những truyền thống tốt đẹp, phong cảnh hữu tình, văn hóa Việt độc đáo và lòng hiếu khách chân thành.
Phong trào QTN Việt Nam đã nảy sinh từ nửa đầu của thế kỷ XX. Năm 1914, khi sống ở nước Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó mới là một thanh niên tham gia phong trào của Hướng đạo sinh, cũng đã học Esperanto. Ngay từ tháng 9-1945, những ngày đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, trong chương trình phát thanh đối ngoại, đã đều đặn có buổi phát thanh bằng Esperanto cho đến tháng 7-1946, do có nhiều khó khăn vì chiến tranh đã kề cận, mới phải ngừng. Đây là một trong những đài phát thanh ở Châu Á có phát thanh tiếng Esperanto sớm nhất. Trải qua những năm dài chiến tranh, phong trào QTN vẫn không ngừng phát triển. Trong các thập niên 5, 6 của thế kỷ trước, Hội QTN Việt Nam đã xuất bản được trên một trăm đầu sách dịch từ tiếng Việt sang Esperanto, góp phần giới thiệu với thế giới về một nước Việt Nam nhỏ bé mà bất khuất, về một nền văn hóa với những nét tế nhị riêng biệt hết sức độc đáo.
Gần đây nhất, chúng ta đã phát hành bản dịch tiếng Việt cuốn truyện thiếu nhi Kroatia Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của chú bé học nghề Hlapic, bản dịch tiếng Esperanto cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm (là ngôn ngữ dịch thứ 19). Để chào mừng UK-97, Hội QTN Việt Nam đã phát hành phiên bản Esperanto Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du do dịch giả Lê Cao Phan chuyển ngữ và được hiệu đính bởi một nhóm các nhà thơ QTN danh tiếng thế giới. Như vậy, thành tựu lao động này không còn là của một cá nhân mà là của cả một tập thể, thông qua quá trình cộng tác quốc tế. Tác phẩm dịch đã được xếp vào Bộ sưu tập Đông-Tây, là bộ sách do Hội QTN toàn cầu (UEA) khởi xướng, gồm các tác phẩm đặc biệt quan trọng và đại diện cho các nền văn chương của các quốc gia khác nhau ở phương Đông và phương Tây, nhằm mục đích đóng góp cho Chương trình của UNESCO để nghiên cứu và đánh giá các nền văn hóa.
Chúng ta đã tổ chức được một cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam hết sức độc đáo, lấy tên là “Hà Nội - điểm hẹn của bạn”. Cuộc thi gồm 10 kỳ thi, đã kéo dài trong suốt một thập kỷ, những năm đầu chỉ thuần túy bằng Esperanto, sau mở rộng thêm 5 thứ tiếng nữa và tổng kết vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Để góp phần hưởng ứng Chương trình 125 của UEA, chúng ta đã đóng góp tài liệu cho khóa học Du lịch văn hóa tới Việt Nam trên mạng; đã dịch trọn vẹn sang tiếng Việt cuốn Unua libro tức Cuốn sách đầu tiên, của L.L. Zamenhof, người sáng tạo ra ngôn ngữ Esperanto. Đây là một việc làm có ý nghĩa lịch sử: Từ trước tới nay, ngay từ khi bắt đầu học Esperanto, ai cũng biết giai thoại về việc phát hành cuốn sách này, nhưng có lẽ chưa ai từng được trông thấy nó trong thực tế, thì nay các nhà QTN Việt Nam đã có cơ hội cầm trên tay phiên bản tiếng Việt của cuốn sách và đọc nó bằng chữ quốc ngữ của mình. Hai cuốn kèm theo 2 đĩa CD ghi nội dung bản dịch tiếng Việt đã được ta gửi tặng Thư viện QTN Bjalistoko (ở Ba Lan, quê hương L.L. Zamenhof).
Để thuận lợi cho người mới học tiếp cận tài liệu quốc tế, các sách giáo khoa Esperanto bằng phương pháp trực tiếp của Stano Marcek, và Phương pháp Zagreb của nhóm các tác giả Roger Imbert, Ivica Spoljarec, Spomenka Stimec và Zlatkto Tisljar đã được chuyển sang tiếng Việt. Phiên bản tiếng Việt giáo trình QTN Kurso de Esperanto 4 của Carlos Pereira (Brazil) đã xuất hiện trên mạng và được tác giả cho phép tải xuống miễn phí.
Việc đào tạo đội ngũ kế thừa trẻ trung và có năng lực thật sự được Hội QTN Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hằng năm, các lớp Esperanto được mở đều đặn, gồm cả học viên khuyết tật, sinh viên Lào, Trung Quốc đang học đại học tại Việt Nam... Trong khuôn khổ hoạt động đào tạo Việt Nam có 9 người tham gia tổ chức ILEI (Liên đoàn các nhà giáo dạy Esperanto), kinh phí gia nhập được một số hội viên ILEI hảo tâm tài trợ.
Cũng cần phải nói thêm một điểm hết sức độc đáo của UK là một đại hội quốc tế mà người tham dự đến từ nhiều nước, nhưng không hề có phiên dịch viên. Toàn đại hội chỉ sử dụng một ngôn ngữ làm việc chung duy nhất - Esperanto. Điều này chính là thể hiện ước mơ lớn lao của người sáng tạo ra nó: Trong đại hội mọi người đều bình đẳng về ngôn ngữ. L.L. Zamenhof quan niệm có bình đẳng về ngôn ngữ thì mới có thể tiến tới mọi sự bình đẳng khác giữa con người với nhau. Chính vì thế, để chuẩn bị cho UK được thành công, Hội QTN Việt Nam đã phải đào tạo một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo để đáp ứng mọi hoạt động trong đại hội. Thư ký Thường trực đại hội của UEA là ông Clay Magalhaes (Brazil) và bà Ivanka Kircheva Stoyanova (Bungari), chuyên gia ngôn ngữ đã giúp ta tập huấn cho các tình nguyện viên.
Để đăng cai một đại hội tầm cỡ quốc tế như thế này, Hội QTN Việt Nam đã nhận được sự lãnh đạo sát sao của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, sự ủng hộ thiết thực và hiệu quả của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội, sự kết hợp của các ban, ngành liên quan. Tất cả thể hiện truyền thống tốt đẹp của đất nước, của dân tộc chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.