Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm. Dù nền kinh tế số một thế giới đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng động thái của FED cho thấy cơ quan này vẫn rất cảnh giác trong điều hành chính sách tiền tệ. Và rõ ràng, cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ vẫn là một hành trình dài.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FED quyết định tiếp tục nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất tham chiếu lên 5,25-5,5%, mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2001.
Tại cuộc họp tháng trước, FED đã từ chối tăng lãi suất, phá vỡ chuỗi 10 cuộc họp liên tiếp tăng lãi suất. Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của CFA và Bankrate cho biết: “FED đã tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6, nhưng tháng này họ đã quay trở lại, tăng lãi suất lần thứ 11 trong 12 cuộc họp vừa qua”. Sức mạnh trên thị trường lao động và khả năng phục hồi của toàn bộ nền kinh tế là lý do tại sao FED vẫn tăng lãi suất.
Giới chức FED cũng tỏ ra bất ngờ trước đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, bất chấp 11 lần tăng lãi suất mà FED đã thực hiện - chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất trong 40 năm qua.
Nền kinh tế của xứ Cờ hoa tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II do khả năng phục hồi của thị trường lao động củng cố chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị... Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% trong tháng 6 không còn quá xa so với mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo các chuyên gia, bản báo cáo quý II-2023 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sắp công bố sẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,8% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Mức tăng trưởng này nhanh hơn nhiều so với dự báo vào đầu năm nay. Các điều kiện tài chính thuận lợi, với chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng đều đặn kể từ tháng 3-2023 đang có xu hướng nâng cao tâm lý người tiêu dùng và thúc đẩy chi tiêu…
Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng - thước đo lạm phát, tại Mỹ tiếp tục giảm so với mức 4% của tháng 5-2023. Tuy vậy, con số này vẫn quá cao đối với FED, vốn đang tìm cách vật lộn để đưa tỷ lệ lạm phát xuống khoảng 2%.
Trong một bài phát biểu mới đây, Thống đốc FED Christopher Waller nói rằng, ông muốn nhìn thấy những bằng chứng rõ ràng hơn nữa để chắc chắn mức giảm trong tháng 6 không phải là “ăn may”.
Một số nhà hoạch định chính sách lo ngại việc lạm phát hạ nhiệt chỉ là tạm thời khi nhận định, sự giảm tốc của lạm phát là do những cú sốc từ đại dịch Covid-19 từng đẩy giá thuê nhà, giá vận chuyển và ô tô lên cao nhưng nay đã chấm dứt. Tuy nhiên, sức ép về giá có thể dai dẳng nên FED phải nâng lãi suất cao hơn và duy trì ở mức cao đó trong khoảng thời gian dài hơn.
Bằng cách tăng lãi suất, FED hy vọng sẽ khiến việc vay mượn và đầu tư đắt đỏ hơn, do đó làm giảm nhu cầu chung về hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nền kinh tế. Nhà kinh tế tại Đại học Harvard Karen Dynan, nhận định: “Dù tình hình dường như đã đi đúng hướng, nhưng chúng ta mới chỉ đang trong một quá trình lâu dài”.
Việc nâng lãi suất lần này đã được dự báo từ trước nên không có quá nhiều ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán cũng như tỷ giá.
Trong cuộc họp báo sau quyết định nâng lãi suất, Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh rằng, một đợt tăng lãi suất khác vẫn là một lựa chọn, nếu nền kinh tế phục hồi sức mạnh và duy trì áp lực tăng giá.
Nhiều nhà phân tích tin rằng vẫn còn một số “cơn gió ngược” cần theo dõi. FED dường như muốn tránh sai lầm của những năm 1970 là nới lỏng quá nhanh khi lạm phát giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Vòng xoáy lạm phát lúc đó khiến FED đã phải hành động mạnh mẽ gây ra suy thoái kinh tế sâu và tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm.
Nhà kinh tế Raghuram Rajan, cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hiện là giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago (Mỹ) nhận định, FED đang cố gắng đạt được một sự cân bằng khó khăn, điều mà các nhà kinh tế thường gọi là "hạ cánh mềm", đó là tăng lãi suất vừa đủ để nền kinh tế không đến mức lạm phát giảm cũng như không rơi vào suy thoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.