(HNMO) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang đẩy mạnh bán cổ phần sở hữu tại ngân hàng khác nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% theo quy định.
Theo kế hoạch, ngày 22-10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán 45,6 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) do Vietcombank sở hữu với giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phiên đấu giá này sẽ không diễn ra như kế hoạch bởi hết thời hạn đăng ký và đặt cọc không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Đây không phải lần đầu tiên cổ phần Vietcombank sở hữu được đưa ra bán đấu giá bị ế. Gần đây nhất, ngày 15-10, Vietcombank bán đấu giá thoái vốn 534 tỷ đồng (53,4 triệu cổ phần theo mệnh giá) cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) mà Vietcombank đang nắm giữ với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phần.
Phiên đấu giá thu hút 5 nhà đầu tư cá nhân và 5 tổ chức tham dự. Số cổ phần nhà đầu tư đăng ký mua chỉ là 5,93 triệu cổ phần, bằng hơn 10% khối lượng cổ phần chào bán. Toàn bộ số cổ phần mà nhà đầu tư đăng ký mua đã được đặt mua hết với mức giá cao nhất là 22.000 đồng/cổ phần, giá đặt mua thấp nhất là 19.641 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, giá trúng không được thấp hơn giá đóng cửa trên sàn giao dịch của cổ phiếu MBB tại ngày đấu giá. Giá đóng cửa của cổ phiếu MBB tại ngày diễn ra phiên đấu giá là 21.300 đồng/cổ phần. Vì vậy, phiên đấu giá chỉ bán được 10.000 cổ phần (tương đương 0,018% số cổ phần đưa ra đấu giá) cho 1 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân đạt 21.900 đồng/cổ phần. Số cổ phần MBB còn lại Vietcombank sẽ bán khớp lệnh trên sàn.
Vietcombank muốn thoái vốn tại MBB và Eximbank nhằm giảm mức sở hữu xuống dưới 5% theo quy định. Rõ ràng, cổ phần ngân hàng thoái vốn được đưa ra bán đấu giá thời gian qua đã liên tục bị ế. Vì sao lại như vậy?
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Vietcombank thoái vốn đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán không thuận lợi như giai đoạn trước. Sau cú sốc thị trường lao dốc tới gần 50 điểm vào ngày 11-10 vừa qua, các nhà đầu tư đã e dè hơn.
Một số dòng tiền lớn chưa có sự trở lại thị trường, những phiên giao dịch gần đây thanh khoản thấp, chủ yếu là dòng tiền nhỏ lẻ hoạt động.
“Với khối lượng cổ phần lớn được đưa ra chào bán, cần nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại tham gia nhưng hiện cổ phiếu MBB đã kín room ngoại, vì vậy, sức cầu chỉ phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư có tiềm lực lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, dường như họ chưa sẵn sàng tham gia”, ông Huy nói.
Về mức giá, chuyên gia này cho rằng, là một ngân hàng được đánh giá tốt, mức giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phần MBB là hấp dẫn. Tuy nhiên, phiên đấu giá diễn ra đúng lúc thị trường đang đi xuống nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá xuống thấp hơn nữa.
Với Eximbank, ngân hàng này vẫn còn ngổn ngang trong quá trình tái cơ cấu và mức giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phần là không thấp. Vì vậy, nhà đầu tư chưa sẵn sàng mua vào.
"Trong bối cảnh đó, cổ phần ngân hàng không bán ra được là điều không quá bất ngờ", Giám đốc Chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh đánh giá.
Cùng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khác nhìn nhận, nếu ngân hàng thoái vốn trong bối cảnh thị trường tốt thì có thể số cổ phần trên đã bán được. Tuy nhiên, hiện thị trường đang xấu, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua đợt giảm mạnh. Vì vậy, nhiều người muốn nghiên cứu thị trường thêm. Bên cạnh đó, khối lượng đưa ra bán đấu giá lớn nên không dễ dàng bán được.
Chuyên gia này cũng cho rằng, nhiều khả năng các nhà đầu tư muốn mua ở mức giá thấp hơn, nên họ chờ khi số cổ phần này được bán trên sàn chứng khoán, giá trên sàn xuống thấp họ mới mua vào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.