(HNMCT) - Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình nằm trong Tử Cấm thành (Hoàng thành, Kinh thành Huế). Đây là nhà hát dành cho vua triều Nguyễn cùng hoàng gia, các quan đại thần cùng quan khách, sứ thần. Các chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường là ca múa nhạc và chủ yếu là các vở tuồng cung đình (hát bội), thường tổ chức vào các dịp lễ hay đón tiếp sứ thần ngoại giao. Duyệt Thị Đường được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam.
Công trình nằm ở mé trái Tử Cấm thành, trong một khuôn viên rộng có nhiều hạng mục kiến trúc. Sử sách triều Nguyễn chép, công trình được xây dựng vào tháng 7-1826 dưới triều vua Minh Mạng. Đó là công trình bằng gỗ có mặt bằng hình chữ nhật, quay mặt về hướng đông, cấu trúc 4 gian 2 chái; dài 46m, rộng 35m. Công trình có 8 hàng cột với hai tầng mái thắt cổ diềm. Nền nhà hát được lát gạch Bát Tràng, sân khấu nằm ở giữa. Ở bốn phía tòa nhà đều có mái hiên kết nối với hệ thống hành lang trong Tử Cấm thành. Vị trí xem của vua ở chính giữa, trên một bục cao, có ngai riêng, hai bên tả hữu là chỗ dành cho quốc khách. Phía sau vua là hàng ghế dành cho các bà hoàng và cung nữ. Các quan của triều đình ngồi hai bên.
Duyệt Thị Đường đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần tu bổ đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Tới cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, dưới thời vua Bảo Đại, do nhà hát bị hư hỏng nặng nên triều đình đã cho cải tạo quy mô lớn. Tới năm 1962, Duyệt Thị Đường lại được cải tạo; ở lần cải tạo này, công trình bị biến tướng nhiều. Sau năm 1975, Duyệt Thị Đường vẫn được sử dụng làm nơi giảng dạy và học tập cho khoa Âm nhạc, Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Từ năm 1995 đến năm 2002, nhà hát được trùng tu hoàn chỉnh và chính thức đi vào hoạt động thường xuyên từ tháng 3-2003.
Hiện nay, nhà hát Duyệt Thị Đường là nơi biểu diễn nghệ thuật cổ truyền phục vụ khách du lịch thăm Hoàng thành; trong đó có nhã nhạc cung đình và các trích đoạn tuồng cổ. Nhà hát cũng dàn dựng một số tiết mục mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem và đặc thù của không gian kiến trúc. Mỗi buổi biểu diễn thường kéo dài khoảng 35 phút.
Nếu so với nguyên gốc, Duyệt Thị Đường hiện tại đã thay đổi nhiều, nhưng nó tồn tại như một sự tiếp biến và mang những giá trị lịch sử cũng như nghệ thuật sân khấu truyền thống của Huế và Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.