(HNM) - Truyền bá những môn thể thao dân tộc, trong đó có võ cổ truyền ra thế giới là nét nổi bật của thể thao Việt Nam trong giai đoạn hội nhập với thể thao thế giới. Đóng góp vào việc truyền bá võ cổ truyền Việt Nam có một người Pháp đang sinh sống ở Champrepus (vùng Normandi) tên là Jean Philippe Lebauvier.
Jean Philippe Lebauvier - người đầu tiên mở CLB võ Nhất Nam tại Pháp. Ảnh: Thăng Long |
Cách đây hơn 4 năm, Báo Hànộimới đã có bài viết về hành trình tìm đến võ Việt Nam, cụ thể là môn phái Nhất Nam, của Jean Philippe Lebauvier. Khi ấy, Jean Philippe Lebauvier sang Việt Nam cùng cô em gái. Trong khi cô em đi du lịch thì ông anh hầu như chỉ dành thời gian thọ giáo võ sư môn phái Nhất Nam Trần Mạnh Hà. Đấy đã là lần thứ tư Jean Philippe Lebauvier đến Việt Nam. Cả 4 lần ấy đều cùng mục đích để tìm hiểu thật kỹ về võ Việt.
Lần đầu đến Việt Nam năm 2004, chàng trai người Pháp này lúc đó mới 23 tuổi, làm bánh cho một nhà hàng ở Hà Nội. Đó là cơ hội trời cho với Jean Philippe Lebauvier vì trước đó anh đã từng tập võ cổ truyền Việt Nam từ một người Việt định cư tại Pháp và rất muốn tìm hiểu thật kỹ. Duyên nợ đã đưa anh tìm đến tập luyện tại CLB võ Nhất Nam, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô để rồi say mê môn võ có xuất xứ từ vùng Thanh - Nghệ với cả một hệ thống triết lý cùng những đòn thế đầy bản sắc Việt. Jean Philippe Lebauvier đã nói rằng, khi tập Nhất Nam như tìm thấy một khoảng không gian đầy mới mẻ và bổ sung được nhiều điều cho vốn võ học của anh. Theo Jean Philippe Lebauvier, khi tập Nhất Nam còn hiểu thêm về văn hóa, lối sống Việt, về cái sự trong nhu có cương, cái cách lấy yếu chống mạnh của người Việt Nam được đúc rút qua bao thời chống giặc ngoại xâm. Còn các võ sư Nhất Nam khi gặp Jean Philippe Lebauvier cũng phải công nhận rằng chàng trai người Pháp này có đầy đủ những tố chất và nhiệt tình để trở thành một môn sinh xuất sắc và sau này là một người thầy giỏi.
Hơn một năm sau, Jean Philippe Lebauvier phải trở về Pháp vì việc riêng. Trong năm 2005 và 2006, mỗi năm chàng trai này lại sang Việt Nam một thời gian để tập luyện võ Nhất Nam sau khi tiết kiệm tiền từ nghề làm bánh. Cuối năm 2009, sau hơn một tháng tập luyện võ Nhất Nam tại Hà Nội, Jean Philippe Lebauvier về Pháp với lời hứa với thầy là sẽ phát triển môn võ này tại Pháp chứ không chỉ tập cho riêng mình.
Trong hơn 4 năm ấy, dù bận với cửa hàng làm bánh cổ truyền Pháp tại Champrepus nhưng Jean Philippe Lebauvier vẫn không quên nhiệm vụ truyền bá môn võ Nhất Nam. Jean Philippe Lebauvier nói về Nhất Nam với những người bạn của mình rồi cũng có những người tập luyện theo. Anh cũng thuyết phục được ông Guy Herve, người phụ trách một CLB võ thuật ở St Brieuc, cách Champrepus hơn 300km, cho phát triển võ Nhất Nam. Lúc ấy, người ở đây mới biết rằng võ cổ truyền Việt Nam không chỉ có Vovinam hay một số môn phái khác có nhiều đòn thế tổng hợp từ võ nước ngoài. Chính từ những nét riêng của môn võ Nhất Nam được Jean Philippe Lebauvier phân tích mà năm vừa rồi, ông Guy Herve đã dẫn đầu một đoàn võ sinh khoảng 30 người về Việt Nam để giao lưu và tìm hiểu về môn võ được coi là thuần Việt này. Sau chuyến đi một thời gian, nhiều người vẫn muốn hiểu rõ hơn về Nhất Nam khi chứng kiến cái mà họ gọi là "có sức mạnh đáng kinh ngạc và đầy thực dụng từ những thế võ uyển chuyển như múa balê" nên Hội Võ cổ truyền ở St Brieuc đã mời võ sư Trần Mạnh Hà sang Pháp để giới thiệu thêm về võ Nhất Nam cho đông đảo võ sinh trong vùng St Brieuc. Thành công của chuyến đi ấy là ngoài sức tưởng tượng khi hơn 300 võ sinh trong CLB, vốn đang tập nhiều môn khác nhau, đã cùng tham gia khóa học ngắn ngày về Nhất Nam. Còn Jean Philippe Lebauvier có cơ sở để xin thành lập một CLB võ Nhất Nam tại Pháp. Báo chí địa phương cũng đã nói đến võ Nhất Nam. Chỉ trong thời gian võ sư Trần Mạnh Hà lưu lại tại Pháp, cũng có ít nhất 3 tờ báo kể về hành trình tìm đến và truyền bá võ Nhất Nam của Jean Philippe Lebauvier cũng như chuyến đi của võ sư Trần Mạnh Hà.
Cách đây ít tháng, Jean Philippe Lebauvier thông báo rằng đã được chính quyền địa phương cho phép mở CLB võ Nhất Nam ở vùng Champrepus. CLB có gần 100 võ sinh và anh hy vọng sẽ còn được nhiều người tìm đến hơn nữa. Thế là lời hứa hơn 4 năm trước của anh với sư phụ đã bước đầu thành hiện thực. Lời hứa được thực hiện bởi một người Pháp tự trao cho mình trách nhiệm gìn giữ và phát triển môn võ cổ truyền Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.