(HNM) - Ngày 24-7-2019, em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh Trường Marie Curie Hà Nội viết thư, tìm địa chỉ email và gửi đến 40 hiệu trưởng ở Hà Nội với mong muốn các trường không thả bóng bay dịp lễ khai giảng để bảo vệ môi trường.
Cùng với cam kết sẽ không thả bóng bay dịp khai giảng, nhiều trường phát động phong trào kêu gọi học sinh không bọc sách vở bằng ni lông với mục đích giảm thiểu rác thải nhựa và rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường tiếp tục được duy trì, nhân rộng trong cộng đồng. Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội:
Các trường sẽ tổ chức các hoạt động ý nghĩa khác để thay thế
Tôi rất vui mừng về ý tưởng tuyệt vời của một học sinh nhỏ tuổi. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Thực tế, học sinh Hà Nội đã có những việc làm, hành động cụ thể, cho thấy các em ngày càng biết quan tâm thế giới xung quanh, biết giữ gìn môi trường sống từ trong gia đình, nhà trường, khu phố; nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các chương trình nhặt rác, dọn vệ sinh nơi công cộng... Lá thư của Nguyệt Linh chắc chắn sẽ tạo được sự cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ để vào ngày 5-9 tới, sẽ có rất nhiều trường không thả bóng bay. Thay vào đó, các trường sẽ chủ động tổ chức các hoạt động ý nghĩa thay thế, giúp học sinh vẫn có trọn vẹn niềm vui mà không ảnh hưởng đến môi trường.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy):
Tiếp tục nhiều hoạt động bảo vệ môi trường
Sau thông điệp mà học sinh Nguyễn Nguyệt Linh gửi gắm tới các trường học, chúng tôi đã quyết định không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm nay vì ý nghĩa nhân văn mà em đưa ra. Cụ thể, thay vì sử dụng các loại phông cho sân khấu bằng nhựa, nhà trường dùng biển led điện tử. Việc dùng biển led vừa thể hiện sự văn minh, hình ảnh đẹp, vừa bảo vệ môi trường vì dùng phông bằng nhựa dùng một lần bỏ đi, rất lãng phí và hại cho môi trường.
Ngoài ra, nhà trường cũng bỏ các phông quảng cáo treo dọc hai bên sân khấu về hoạt động ngày khai giảng, thay vào đó là những hàng cây xanh mát và mọi thông tin đều đưa trực tuyến trên trang web của nhà trường. Về lâu dài, nhà trường sẽ tiếp tục tìm ra các phương pháp thay thế những sản phẩm nhựa, ni lông dùng một lần bằng những sản phẩm tiện ích khác. Và bắt đầu từ việc tuyên truyền cho học sinh làm ống hút bằng ống sậy, không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa một lần…
Chị Nguyễn An Trân, phụ huynh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm):
Nói không với rác thải nhựa
Sau bức tâm thư của học sinh lớp 6 Trường Marie Curie Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi thư khen ngợi hành động thiết thực của em, đồng thời khẳng định: “Chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng lớn hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu từ hành động nhỏ của con”.
Tôi rất đồng tình với hồi đáp này của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Mong rằng, đây sẽ bắt nguồn của rất nhiều phong trào bảo vệ môi trường trong môi trường sư phạm, cũng là tiếp tục duy trì các hoạt động rất ý nghĩa: “Nói không với rác thải nhựa”. Việc này cũng đã được thể hiện rất tốt tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lê Quý Đôn từ năm học trước. Trong năm nay, giáo viên, đều nói không với túi ni lông và chai lọ nhựa dùng một lần, học sinh được vận động mang theo bình đựng nước bằng inox hoặc bằng nhựa sử dụng lâu dài.
Đảng viên Trần Việt Hùng, Chi bộ tổ dân phố số 6, phường La Khê, quận Hà Đông:
Góp phần bảo vệ môi trường ngày càng sạch đẹp
Dù còn là một học trò nhỏ tuổi nhưng cháu Nguyễn Nguyệt Linh đã có cái nhìn sâu sắc về tác hại của rác thải nhựa. Hiện mỗi ngày, Hà Nội phát sinh từ 5.500 đến 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa chiếm 8-10% - là một thách thức đối với môi trường. Ngày 31-10-2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thay thế nhựa và túi ni lông...
Ngoài ra, Hà Nội tập trung nghiên cứu cơ chế, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; phân loại chất thải tại nguồn. Mong rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, phong trào "chống rác thải nhựa" sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng sạch, đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.