(HNM) - Khoảng năm 1990, khi sang Liên Xô (cũ) làm việc theo chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước, Chưởng môn phái Nhất Nam Ngô Xuân Bính đã dặn dò các đệ tử cố gắng duy trì môn phái và phải luôn coi đó là một di sản văn hóa phi vật thể mà các thế hệ sau cần lưu giữ.
Võ sư Trần Mạnh Hà (võ phục trắng) cùng các võ sinh người Pháp |
Trong nhiều năm, những học trò của Chưởng môn Ngô Xuân Bính vẫn âm thầm duy trì các lớp tập võ Nhất Nam. Đây là một trong số ít môn võ hiện nay có gốc thuần Việt với những nét đặc thù, rất dễ phân biệt với nhiều môn phái có gốc nước ngoài từ tiếng hét (nên được gọi là Võ Hét) cho đến bước di chuyển, cách ra đòn. Ở đó, võ sinh Nhất Nam chủ yếu lấy tránh né, kéo tì, triệt lực, hấp lực để phản đòn nhanh, gọn vào các huyệt đạo trên người đối thủ như cổ, mắt… và không chủ trương đối lực, đối đòn, đối chiêu. Lịch sử chiến đấu với giặc ngoại xâm có thể hình, sức mạnh tốt hơn đã sinh ra những môn võ như vậy, trong đó có Nhất Nam.
Tại Hà Nội, sau nhiều năm gìn giữ, môn phái cũng có những câu lạc bộ (CLB) tập luyện cố định, được duy trì từ năm này sang năm khác, trong đó có CLB Nhất Nam Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Từ quá trình tập luyện tại CLB rồi đam mê môn võ này, nhiều võ sinh - vốn là sinh viên, trở về quê hương làm việc đã không quên gây dựng các lớp võ Nhất Nam. Nhờ đó, hiện nay ở Lai Châu, Lạng Sơn cũng có các CLB Nhất Nam. Và cũng nhờ kiên trì duy trì CLB Nhất Nam Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô mà Nhất Nam đã đến được Pháp - nơi mà các võ sư tại Việt Nam chưa nghĩ đến dù ở nhiều nước Đông Âu cũ, môn phái đã có chỗ đứng với các Liên đoàn quốc gia được thành lập.
Hành trình đưa Nhất Nam đến Pháp được bắc cầu bởi một người Pháp đam mê võ thuật là Jean Philippe Lebauvier.
Năm 2004 Jean Philippe Lebauvier tình cờ chứng kiến một buổi tập của CLB Nhất Nam Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô do võ sư Trần Mạnh Hà đứng lớp. Vốn mê võ thuật nên khi chứng kiến những cách thi triển đường quyền, ngọn cước khác lạ với những môn phái khác, Jean Philippe đã xin vào tập. Tập rồi mê và không dứt ra được. Đến nỗi, khi trở về Pháp anh vẫn tích cóp tiền để trở lại Việt Nam tập thêm võ Nhất Nam. Kể cả khi quay lại Việt Nam du lịch cùng em gái, anh chàng sinh năm 1982, đẹp trai như một lãng tử này cũng chủ yếu dành thời gian để hấp thu những tinh hoa của môn phái qua những buổi tập luyện tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô và tại nhà võ sư Trần Mạnh Hà.
Thấy Jean Philippe Lebauvier học đến đâu, thấm đến đó, võ sư Trần Mạnh Hà mới nảy sịnh ý định để Jean Philippe Lebauvier về gây dựng môn phái tại Pháp. Môn sinh Nhất Nam khá đặc biệt này đã nhận lời không chút do dự và coi đó là nhiệm vụ của mình. Lúc này, môn phái Nhất Nam không chỉ phát triển các kỹ thuật chiến đấu mà còn hướng mạnh đến phần dưỡng sinh nhằm giúp cho người tập ở nhiều lứa tuổi có điều kiện hấp thu một tinh hoa của võ Việt, nâng cao sức khỏe. Đấy cũng là thuận lợi khác để Jean Philippe Lebauvier phát triển môn võ này ở quê nhà.
Từ năm 2009, Jean Philippe Lebauvier trở về Pháp gây dựng môn phái Nhất Nam tại vùng Champrepus. Anh cũng phải mất thời gian thuyết phục để người quản lý CLB võ thuật trong vùng thấy được cái hay, cái tinh túy và quan trọng là ẩn chứa trong môn võ đó có triết lý văn hóa, triết lý sống của người Việt. Những gì mà Jean Philippe Lebauvier bỏ ra không vô ích. Anh được phát triển môn võ trong vùng rồi dần dà số võ sinh theo tập Nhất Nam đông dần. Từ hơn chục người ban đầu, đến nay đã có cả nghìn lượt người tập Nhất Nam ở vùng Champrepus, St Brieuc và gần đây là Paris.
Năm 2014 và mới đây là vào cuối năm 2016, võ sư Trần Mạnh Hà được mời sang Pháp để truyền dạy các kỹ thuật cũng như tinh hoa của của môn võ này cho các võ sinh người Pháp. Trong những lần mang võ Nhất Nam tới Pháp như vậy, võ sư Trần Mạnh Hà cũng phải trải qua hàng loạt câu hỏi hóc búa liên quan đến triết lý của môn võ Nhất Nam. Võ sư Trần Mạnh Hà kể rằng, chỉ khi ông kể về lịch sử dân tộc Việt trong đó đề cao tình yêu hòa bình, không đi gây hấn với các nước khác và buộc phải chiến đấu để tự vệ khi bị dồn ép thì người tập ở Pháp càng thấu hiểu về một môn phái thuần Việt như Nhất Nam.
Thế nên, trong chuyến đi Pháp năm 2016 vừa rồi của võ sư Trần Mạnh Hà, không ngẫu nhiên mà có gần 500 võ sinh người Pháp theo tập 6 lớp võ chiến đấu và 2 lớp dưỡng sinh khí nội dịch trường sinh Nhất Nam. Võ sư Trần Mạnh Hà - đại diện môn phái Nhất Nam tại Việt Nam và võ sinh Nhất Nam tại Pháp được Thị trưởng tại 3 thành phố Grasse, Landebaeron, Tréguier đón tiếp trọng thị, khẳng định sẽ tạo điều kiện để môn phái Nhất Nam phát triển bền vững tại các thành phố này. Đó cũng là điều khiến những người đã miệt mài phát triển môn Nhất Nam tại Pháp thực sự có động lực làm việc. Dự kiến, những võ sinh Nhất Nam tại Pháp do võ sư Pierre Yves le Vot - người đang phụ trách phát triển môn phái Nhất Nam tại vùng Champrepus, dẫn đầu cũng sẽ tới Việt Nam để giao lưu, học hỏi, qua đó tiếp tục bổ sung kiến thức để phát triển rộng rãi môn phái Nhất Nam.
Cũng không ngẫu nhiên mà nhiều người đã khẳng định rằng võ thuật giờ không đơn thuần là những kỹ thuật chiến đấu, phương pháp rèn sức khỏe mà còn là phương tiện để mọi người trên khắp thế giới kết nối với nhau. Dòng chảy của văn hóa Việt ra thế giới cũng đang cuồn cuộn hòa cùng biển lớn, trong đó có những môn võ thuật như Vovinam hay Nhất Nam…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.