Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường Hồ Chí Minh - Con đường của ý chí quyết thắng

Tiến sĩ Bùi Thế Đức| 14/05/2019 06:39

(HNM) - Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc.


Đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa xuân năm 1975 không thể không kể tới đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng”.

1. Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam vẫn sống dưới chế độ cai trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Để bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền Tây Quảng Trị do Liên Khu ủy 5 phụ trách.

Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được sự chi viện cho cách mạng miền Nam đang ngày càng lớn mạnh. Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương 15 đã đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; phương pháp cách mạng và phương pháp đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng[1].

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Ra đời ngày 19-5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường ra đời đúng ngày sinh của Bác Hồ kính yêu nên được mang tên đường Hồ Chí Minh từ đó.

Sự phát triển nhanh chóng của Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn và hệ thống đường Hồ Chí Minh trải qua bốn giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 1960 đến năm 1964 là những năm đầu xây dựng tuyến chi viện chiến lược. Ngày 1-9-1960, Hội nghị Ban Cán sự Đoàn 559 ra nghị quyết nêu rõ: “Phải quyết tâm tự lực cánh sinh, tranh thủ sử dụng đi đường cũ, đồng thời tiếp tục soi đường mới để làm đường dự bị”[2]. Trong mùa khô 1960-1961, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho chiến trường miền Nam được 30 tấn vũ khí, bảo đảm lương thực cho gần 2.000 cán bộ vào chiến trường miền Nam, chuẩn bị hàng dự trữ cho các đợt vận chuyển tiếp theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Đoàn 559 bước đầu làm được vậy là giỏi, nhưng cần nghiên cứu tổ chức làm tốt hơn nữa”[3]. Với tinh thần quả cảm, sáng tạo và sự nỗ lực phi thường của Đoàn 559, hệ thống đường Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng, thực hiện được chiến dịch vận chuyển quy mô lớn mà Quân ủy Trung ương giao. Kết thúc năm 1964 đã đưa đón quân vào Khu 5 là 15.896 người, vào Nam Bộ là 1.571 người. Qua 5 năm, số quân của Đoàn 559 đã tăng lên 8.000 người.

Giai đoạn 2, từ năm 1965 đến năm 1968: Tuyến viện trợ cơ giới đường Hồ Chí Minh vươn sâu chi viện cho chiến trường miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Từ năm 1965, Đoàn 559 được gọi là Bộ Tư lệnh 559. Một mạng giao thông vững chắc gần 3.000km đường ô tô bao gồm các trục dọc chính, trục dọc phụ, đường ngang, đường vòng tránh và đường vào lấy kho hàng được xây dựng. Sự phát triển của hệ thống đường Hồ Chí Minh đã phục vụ đắc lực công tác vận chuyển cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968.

Giai đoạn 3 từ năm 1969 đến năm 1972: Mở rộng đường Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Tháng 7-1970, Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nâng tổng số quân lên 92.000 người. Để tạo thế bất ngờ với địch, Bộ Tư lệnh Trường Sơn huy động toàn bộ lực lượng công binh và các lực lượng khác đồng loạt ra quân mở đường kín là con đường chạy dưới các tán cây của rừng Trường Sơn. Đến cuối năm 1971 toàn tuyến mở được gần 1.200km đường kín. Vận chuyển trên đường kín đã trở thành xu thế chủ đạo trên đường Hồ Chí Minh. Đây là một thành tựu có ý nghĩa chiến lược tạo được thế bất ngờ đối với không quân địch. Cuối năm 1972 ta đã xây dựng được một mạng đường giao thông vận tải chiến lược với tổng chiều dài 11.000km. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng to lớn của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Paris.

Giai đoạn 4 từ năm 1973 đến năm 1975: Hoàn thiện thế trận đường Hồ Chí Minh, cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Như vậy, từ khi ra đời ngày 19-5-1959 đến mùa xuân năm 1975, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 17.000km đường cho xe cơ giới, đường giao liên dài trên 3.000km, đường ống dẫn xăng dầu gần 14.000km cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc… đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến trường.

2. Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có những đóng góp hết sức quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế rất vẻ vang.

Trước hết, đây là tuyến vận tải quân sự chiến lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Trong 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia góp phần to lớn vào thắng lợi ở các chiến trường này. Đặc biệt từ năm 1973, bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Thứ hai, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến trường ác liệt, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Trong cuộc “chiến tranh ngăn chặn” này, không quân Mỹ - ngụy đánh phá gần 152.000 trận, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn. Trong 16 năm, bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 1.700 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người ảnh hưởng nặng nề chất độc da cam của địch. Để góp phần vào Đại thắng mùa xuân năm 1975 có biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này. Có thể nói cuộc chiến đấu chống “chiến tranh ngăn chặn” của bộ đội Trường Sơn là ác liệt nhất, dài ngày nhất, quy mô nhất. Đó là sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Thứ ba, đường Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn, tuyến chi viện Bắc - Nam đã đi qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương, tỏa ra các chiến trường; là sợi dây liên kết các chiến trường ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững.

Thứ tư, đường Hồ Chí Minh và hoạt động tác chiến, mở đường của bộ đội Trường Sơn đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền khoa học quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, một tuyến đường vận tải chiến lược được xây dựng hoàn chỉnh để chi viện cho chiến trường với sự đa dạng về thành phần lực lượng và hoạt động tác chiến. Cùng với sự phát triển liên tục của công tác vận tải chi viện cho chiến trường, nghệ thuật quân sự trên chiến trường Trường Sơn luôn có sự sáng tạo và phát triển không ngừng.

Đó là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chính trị, quân sự và khoa học, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam để giải quyết thành công một loạt vấn đề rất mới thuộc về vận tải chiến lược trong chiến tranh của quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đó là nghệ thuật tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị để xây dựng ý chí quyết chiến quyết thắng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để làm nên kỳ tích vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

3. Đầu năm 1976, Bộ Quốc phòng quyết định sáp nhập bộ đội Trường Sơn với Bộ Tư lệnh công binh thành Bộ Tư lệnh công trình. Tháng 3-1976, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế thay cho Bộ Tư lệnh công trình. Tháng 10-1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 và Binh đoàn 14 trực thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế. Năm 1979, Tổng cục Xây dựng kinh tế và Binh đoàn 14 giải thể, Binh đoàn 12 chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng, là đơn vị kế thừa truyền thống anh hùng của bộ đội Trường Sơn. Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ mới xây dựng đất nước, với tinh thần cách mạng tiến công, Binh đoàn 12 lại có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, trải rộng trên 21 tỉnh, thành phố trong cả nước và 5 tỉnh của nước bạn Lào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là đơn vị kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38 về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km với điểm đầu là Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau) là ý nguyện của toàn Đảng, mong ước của toàn dân, toàn quân và là công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đến nay, mặc dù đường Hồ Chí Minh chưa hoàn thành tổng thể nhưng giai đoạn 1 đã hoàn thành từ Thạch Quảng, Quảng Bình tới Ngọc Hồi, Hà Nội đã và đang phát huy hiệu quả thực tế. Trong những năm tới khi hoàn thành nối thông toàn tuyến sẽ càng có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang tiến hành công cuộc đổi mới và đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các cuộc kháng chiến, trong đó có những chiến công của đường Hồ Chí Minh huyền thoại để tiếp thêm ý chí, quyết tâm tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta nguyện đoàn kết chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng đã đề ra: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

--------------------------------
[1] Lịch sử Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1999, trang 19.
[2] Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, trang 30.
[3] Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Sđd, trang 31.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường Hồ Chí Minh - Con đường của ý chí quyết thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.