Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường hầm ''2 trong 1'' độc đáo ở Malaysia

Thu Hằng| 27/07/2022 14:05

(HNMO) - Hệ thống đường hầm giao thông và điều tiết lũ (SMART Tunnel) là một hệ thống công trình thông minh - kỹ thuật cao, đem lại hiệu quả lớn cho thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trong việc giải quyết úng ngập và ùn tắc giao thông.

 SMART là hầm đường bộ kết hợp thoát lũ đầu tiên trên thế giới. Ảnh: GAMUDA

Ý tưởng táo bạo

Thủ đô Kuala Lumpur là nơi hợp lưu của sông Klang và sông Gombak. Hai con sông này từng là nguồn sống của người dân Kuala Lumpur, nhưng kể từ khi nơi đây trở thành đô thị sầm uất thì chúng lại trở thành trở ngại lớn. 

Kuala Lumpur thường xuyên bị lũ quét và ngập úng sau những trận mưa dài. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đô thị và gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền Malaysia đưa ra một ý tưởng táo bạo, đó là xây dựng một hệ thống công trình chống ùn tắc giao thông và ngập lụt cho toàn thành phố - đường hầm “2 trong 1”, vừa dùng để thoát nước lũ, vừa điều tiết giao thông, tạo thêm một tuyến đường ra vào cửa ngõ phía nam Kuala Lumpur ngày một thuận lợi.

Ảnh: GAMUDA

Sau 4 năm xây dựng, ngày 14-7-2007, đường hầm SMART đi vào hoạt động. Dự án do Tập đoàn Gamuda cùng Công ty MMC thực hiện theo hình thức BOT, với tổng vốn khoảng 700 triệu USD, khai thác trong 40 năm, thông qua thu phí xe ô tô đi vào đường hầm, với giá 2 ringgit (RM)/lượt (1RM khoảng 4.000VND).

Đây là đường hầm đa năng dài nhất Đông Nam Á và thứ hai châu Á với chiều dài 9,7km. Tại phần giữa đường hầm với chiều dài 4,7km (đường hầm xa lộ dài 3km, đường dẫn 1,7km), rộng 6,5m (2 làn xe), đường kính 13,2m (mặt cắt đường hầm được chia làm 3 tầng: 2 tầng trên được dùng làm đường cao tốc, 1 tầng cho thoát nước khi mưa nhỏ), cách 250m có một cửa thoát lũ và thông khí, độ dốc đường hầm là 1/1.000, lưu lượng 30.000 xe/ngày, tốc độ xe thấp nhất 60km/h; được điều khiển từ trung tâm thông qua 220 camera và 72 màn hình. 

Trong điều kiện thời tiết bình thường, đường hầm sẽ được sử dụng như một hầm đường bộ. Khi nước sông tràn bờ, hầm sẽ trở thành một kênh thoát lũ.

Hiệu quả lớn

Đường hầm bắt đầu từ hồ Kampung Berembang gần sông Klang với một cấu trúc cống phân lũ gồm 4 bộ cửa cắt sông Klang để từ đó nước lũ chảy vào hồ Berembang Holding thông qua một cơ cấu đập tràn - cống lấy nước. Nước từ hồ được chuyển qua đường hầm và xả ra hồ giảm tải Taman Desa. Nước được chứa trong hồ trước khi xả vào sông Kerayong qua cơ cấu cửa xả Box Twin. 

Khả năng chứa tổng cộng của SMART (hồ Berembang Holding, đường hầm và hồ giảm tải Taman Desa) là 3 triệu m3 nước. 

Trung tâm kiểm soát SMART hoạt động 24/24. Khi lưu lượng nước tăng cao tại các ngã ba, trung tâm sẽ gửi một tín hiệu để các trạm kiểm soát đường cao tốc ra lệnh sơ tán các phương tiện giao thông ra khỏi đường hầm. Sau khi đã giải phóng hết các phương tiện giao thông, nước chảy vào toàn bộ đường hầm. Khi nước lũ đã rút, đường hầm được làm sạch và cửa hầm được mở cho giao thông.

Ảnh: GAMUDA

Đường hầm hoạt động theo 4 chế độ:

Chế độ 1: Khi thời tiết bình thường, không mưa hoặc ít mưa - được phép thông xe trong hầm.

Chế độ 2: Mưa vừa, khi vận tốc dòng chảy đo được tại ngã ba sông Klang/sông Ampang (trạm đo lưu lượng “L 4”) đạt 70-150m3/s thì chỉ mở cống lấy nước phía dưới của SMART để chuyển nước đến hồ giảm tải Taman Desa. Đường hầm vẫn mở cửa để thông xe.

Chế độ 3: Mưa lũ lớn xảy ra, mô hình dự báo lũ tại “L 4” đạt 150m3/s trở lên. Chỉ thải 10m3/s ra trung tâm thành phố. Ngừng thông xe trong hầm. Mưa bão lớn hơn chút ít hoặc dừng lại, nhưng không làm ngập đường hầm giao thông, đường được mở cửa lại sau thời gian 2-8 giờ kể từ khi đóng cửa.

Chế độ 4: Mưa bão lớn tiếp tục, kéo dài (thường phải xác nhận sau 1-2 giờ khi chế độ 3 đã được khẳng định), thì phần hầm giao thông được sử dụng hoàn toàn cho thoát lũ, sau khi đã sơ tán triệt để các phương tiện giao thông. Khi lũ rút, đường hầm sẽ mở cửa để thông xe trong vòng 4 ngày kể từ ngày đóng cửa. 

Với hệ thống công nghệ và kỹ thuật hiện đại, mọi thông tin liên lạc bằng di động và sóng radio đảm bảo tốt trong SMART. Năm 2020, toàn tuyến đường hầm đã được nâng cấp hạ tầng truyền thông phủ sóng 4G tốc độ cao (cải thiện khả năng thu sóng di động cho các lái xe đi qua đường hầm, có thể phát nhạc trực tuyến để giải trí trên xe, định vị điều hướng tuyến trên bản đồ nhanh hơn khi đang lái xe trong hầm... 

Tháng 12-2021, đường hầm thoát nước mưa đã thiết lập một kỷ lục mới, đóng cửa hoàn toàn giao thông để phân dòng nước lũ, được hoạt động ở chế độ 4. Cùng với hồ chứa, đường hầm được kích hoạt thời gian dẫn dòng kỷ lục là 22 giờ để chuyển tải 5 triệu m3 nước (tương đương với gần 2.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic), vượt khả năng công suất chứa 3 triệu m3 nước của đường hầm, để chuyển hướng nước dâng của sông Klang (chuyển hướng từ Sungai Klang và Sungai Ampang đến hồ chứa Taman Desa). 

Phòng điều khiển trung tâm giám sát tình hình giao thông dọc theo SMART 24/24 giờ. Ảnh: GAMUDA

Kể từ khi được thông xe đến nay, đường hầm SMART đã chuyển dòng nước lũ hơn 40 lần và ngăn chặn thiệt hại ước tính hơn 1,4 tỷ RM. Dự án đã giải quyết triệt để nạn úng ngập do mưa lũ cho Kuala Lumpur, giúp thủ đô của Malaysia có thể chịu được cường suất mưa đến 400mm trong 3 ngày liên tục. Bên cạnh đó, SMART giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ ngoại thành phía Nam vào trung tâm Kuala Lumpur từ 30 phút xuống chỉ còn 5 phút.

Đường hầm SMART trở thành một biểu tượng và niềm tự hào đưa Malaysia có tên trong bản đồ kỹ thuật quốc tế, chứng tỏ mức độ phát triển đô thị mà quốc gia này đã đạt được và mang lại nhiều ý tưởng hay để các nước đang phát triển khác noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường hầm ''2 trong 1'' độc đáo ở Malaysia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.