(HNM) - Sau hai vòng bầu cử sơ bộ căng thẳng, cuối cùng đảng Xã hội Pháp (PS) đã chọn cựu lãnh đạo Francois Hollande làm đại diện ra tranh cử chức Tổng thống Pháp vào năm tới.
Là một chính trị gia không mấy nổi bật, việc ông F.Hollande trở thành ứng viên của đảng Xã hội có phần may mắn do nhân vật số 1 mà đảng này nhắm tới là Dominique Strauss-Kahn, cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dính vào vụ bê bối bị cáo buộc tấn công tình dục một nữ nhân viên hầu phòng da màu tại một khách sạn ở New York (Mỹ) hồi tháng 5 vừa qua. Dù được tuyên trắng án, song ông D.Strauss-Kahn không còn cơ hội chạy đua vào vị trí ứng cử viên Tổng thống Pháp.
Ông F.Hollande (trái) sẽ là đối thủ nặng ký của Tổng thống Pháp N.Sarkozy trong cuộc bầu cử năm 2012. |
Để hoàn thành sứ mệnh nặng nề là đưa cánh Tả trở lại Điện Élysée sau 17 năm - kể từ khi Tổng thống Francois Mitterrand rời khỏi đây - ông F.Hollande phải vượt qua nhiều gương mặt sáng giá như cựu Thủ tướng Dominique de Villepin, ngôi sao mới nổi Marine Le Pen - ái nữ của chính trị gia cực hữu Jean-Marie Le Pen, người từng gây cơn "địa chấn" chính trị khi lọt vào vòng hai cuộc bầu cử hồi năm 2002 và đối thủ được cho là nặng ký nhất của ứng cử viên PS là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Tuy nhiên, có rất nhiều lý do khiến những người ủng hộ PS tin rằng, dù không sáng chói, ông Hollande vẫn dư sức vượt qua Tổng thống N.Sarkozy và các đối thủ cánh hữu trên đường đua gay cấn vào năm sau. Thứ nhất, sau khi Tổng thống N.Sarkozy đắc cử năm 2007, Liên minh Vì phong trào nhân dân (UMP) liên tục thất bại tại các kỳ bầu cử địa phương vì các chính sách xã hội không được lòng dân. Cuộc lật đổ của các đảng cánh Tả Pháp trong cuộc bầu cử Thượng viện Pháp hồi tháng 9 vừa qua đã chứng tỏ sự suy yếu của liên minh cầm quyền hiện nay. Thứ hai, uy tín ngày càng suy giảm của Tổng thống N.Sarkozy đang khiến nội bộ UMP xuất hiện những dấu hiệu chia rẽ. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là dự cảm không mấy tốt lành về viễn cảnh kinh tế Pháp trong thời gian gần đây với tỷ lệ thất nghiệp gần 10%, nợ quốc gia hơn 84% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thâm hụt thương mại là 56,3 tỷ euro...
Kết quả cuộc khảo sát do Công ty ViaVoice vừa công bố cho thấy, có tới 53% số người được hỏi muốn PS giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012. Điều này cho thấy vụ bê bối liên quan tới cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn không ảnh hưởng đến uy tín của đảng này. Trong khi đó, uy tín của Tổng thống N.Sarkozy, dù đã tăng lên 36% so với 30% hồi tháng 6, song nhà lãnh đạo 56 tuổi này vẫn là một trong những tổng thống Pháp không được yêu thích nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II khi có tới 63% người được hỏi thất vọng về cách điều hành đất nước của ông. Người dân Pháp có quá nhiều lý do để tin Tổng thống N.Sarkozy chưa đủ cơ sở cho một chiến thắng vang dội như từng có trong mùa bầu cử năm 2007.
Trong khi đó, ông F.Hollande liên tiếp ghi điểm bởi những chính sách tranh cử đang tỏ ra có sức hút lớn với cử tri. Đáng chú ý là chương trình giảm thuế trị giá 50 tỷ euro; đồng thời sử dụng 50% số tiền đó tăng lương cho công chức và kích thích tăng trưởng kinh tế, phần còn lại dùng để giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức 5,7% GDP. Ngoài ra, F.Hollande đang sở hữu một "lá bài" vô cùng lợi hại, đó là sự hậu thuẫn của bà Segolene Royal - người vợ cũ cũng từng là đại diện của PS ra tranh cử tổng thống năm 2007. Tuy đã chia tay và vừa thua F.Hollande trong cuộc bầu cử nội bộ của đảng nhưng bà S.Royal vẫn tuyên bố ủng hộ "cựu phu quân" trong cuộc đua được dự báo là sẽ rất quyết liệt đang đến gần. Với nhiều lợi thế trong tay, ông F.Hollande được dư luận Pháp cho là sẽ làm được điều mà PS trông đợi trong gần hai thập kỷ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.