Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường bộ cao tốc chưa đạt chuẩn, tại sao?

Nguyễn Đức| 25/04/2011 08:35

(HNM) - Mạng lưới đường bộ cao tốc là đòi hỏi tất yếu đối với các nước phát triển. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, ngày 1-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1734/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020.


Mục tiêu đặt ra là xây dựng mạng đường bộ cao tốc quốc gia hoàn chỉnh, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đến nay, một số đoạn cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác...

Từ chất lượng công trình…


Quy định về tốc độ thay đổi rất “tốc độ” chỉ trong thời gian rất ngắn trên Đại lộ Thăng Long.    Ảnh: Nhật Nam


Năm 2010, hai đoạn đường cao tốc đúng nghĩa đầu tiên của nước ta chính thức thông tuyến, đưa vào khai thác. Ngày 3-2-2010, đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương thông xe. Đúng 8 tháng sau, ngày 3-10-2010, Đại lộ Thăng Long hoành tráng cũng đi vào hoạt động. Theo thiết kế, đây đều là những tuyến đạt tiêu chuẩn loại A cao tốc, cho phép xe cơ giới đi với vận tốc 120km/h. Tuy nhiên, do chưa thảm lớp tạo nhám, nên tốc độ phải hạn chế xuống còn 100km/h và 80km/h. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi vận hành, cả tuyến TP Hồ Chí Minh-Trung Lương và Đại lộ Thăng Long đều xuất hiện hiện tượng lún, nứt. Báo chí thông tin rầm rộ và được cơ quan chức năng giải thích lún nứt là do đi qua nền đất yếu, phải tiếp tục theo dõi, bù lún. Giải thích của cơ quan chức năng có vẻ có sức thuyết phục với ngay cả những người khó tính nhất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời gian theo dõi, bù lún bao lâu thì không được nhắc tới. Trước kia đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ từng được khoác trên mình từ cao tốc và có cắm biển theo dõi bù lún suốt thời gian dài. Nói như vậy không phải là chủ đầu tư, nhà thầu "ăn bớt", làm kém, nhưng rõ ràng, chất lượng các tuyến cao tốc khi vừa đưa vào khai thác đều chưa ổn. Ngay cả với Đại lộ Thăng Long, khi thông xe cũng chưa thực sự hoàn chỉnh các hạng mục và phải chấp nhận tình cảnh vừa khai thác, vừa hoàn thiện. Không hiểu có phải vì thế mà không ít người phàn nàn mặt đường chưa êm thuận. Một số chuyên gia cho rằng, không thể thảm được lớp tạo nhám với hiện trạng mặt đường hiện nay. Chính Bộ GTVT đã phải yêu cầu kiểm tra lại độ bằng phẳng mặt đường của đại lộ trong buổi làm việc giải quyết một số tồn tại trên tuyến diễn ra ngày 27-1-2011. Chất lượng chưa đạt chuẩn nên vận tốc phải giảm để bảo đảm an toàn cũng là lẽ thường.

Đến phối hợp tổ chức quản lý, vận hành, khai thác

Để khai thác đường cao tốc hiệu quả, việc tổ chức quản lý, vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng dường như không hoàn toàn chủ động trong vấn đề này, đặc biệt là với Đại lộ Thăng Long. Đại lộ được đưa vào khai thác từ 3-10-2010, nhưng khoảng một tháng sau mới hoàn thành phần đường gom và Bộ GTVT đã giao cho Sở GTVT Hà Nội ban hành quy định và tổ chức giao thông trên tuyến. Trong văn bản gửi các cơ quan báo chí về tổ chức giao thông trên Đại lộ Thăng Long ngày 4-11-2010, người phát ngôn của Bộ GTVT khẳng định từ 16-11-2010 sẽ khai thác đại lộ theo đúng yêu cầu thiết kế và xử phạt theo quy định. Thế nhưng, đến 24-12-2010, Bộ GTVT mới có Quyết định 3641/QĐ-BGTVT ban hành quy định tạm thời về tổ chức, quản lý, khai thác Đại lộ Thăng Long. Theo quy định này, tốc độ cao nhất cho phép đi trên đại lộ là 80km/h. Trong khi chờ đợi quy định nói trên, ngày 4-11-2010, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Quyết định 2124/QĐ-GTVT hướng dẫn tổ chức giao thông trên tuyến cho phép tốc độ cao nhất được đi là 80km/h. Đến 16-12-2010, Sở GTVT lại có Quyết định số 2429/QĐ-GTVT cho phép đi tới 100km/h. Mới đây, ngày 31-3-2011, Sở GTVT lại ban hành Quyết định số 269/QĐ-GTVT, giảm tốc độ xuống còn 80km/h kể từ ngày 3-4. Có thể thấy, các cơ quan chức năng tỏ ra khá lúng túng trong việc tổ chức quản lý, vận hành đường cao tốc. Quy định về tốc độ thay đổi rất "tốc độ" trong thời gian ngắn.

Đường cao tốc thiết kế đạt chuẩn nhưng khi đưa vào khai thác chưa đạt tiêu chuẩn cao nhất. Công tác quản lý, tổ chức vận hành, khai thác quá "linh hoạt", trái ngược hẳn với những quy định chặt chẽ vốn có đối với loại đường này. Theo quy hoạch, trong tương lai, cả nước sẽ có hàng chục tuyến đường cao tốc với gần 6.000km. Qua những đoạn cao tốc đầu tiên nêu trên, với những khiếm khuyết đã bộc lộ, các cơ quan, ngành chức năng cần kịp thời xem xét, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh để không lặp lại những khiếm khuyết ấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường bộ cao tốc chưa đạt chuẩn, tại sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.