(HNMCT) - Rất nhiều cây bút dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu và viết, kể cả khi đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhà văn Vũ Hạnh cũng vậy, ở tuổi 95, ông vẫn miệt mài viết và vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất của mình - tiểu thuyết Người nhà trời.
Trong buổi giao lưu “Nhà văn Vũ Hạnh - Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc” diễn ra cách đây không lâu, cùng với tiểu thuyết Người nhà trời, ông cũng giới thiệu 2 tác phẩm nổi bật của mình vừa được tái bản: Tập truyện ngắn Bút máu và tập tiểu luận Đọc lại Truyện Kiều.
Có thể coi Bút máu là “thương hiệu” trong đời văn Vũ Hạnh, ra đời từ năm 1958 nhưng cho đến nay những bài học về đạo đức người cầm bút vẫn vẹn nguyên giá trị. Ở thời nào cũng thế, người viết luôn phải giữ sự trung thực, chân thành, thiện lương trong tâm hồn và trên từng trang viết của mình. Qua nhân vật Lương Sinh, nhà văn Vũ Hạnh mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, lên án một đám bồi bút xuất hiện thời bấy giờ, và cũng là nhắc nhở đội ngũ những người viết không thể vì danh lợi mà tô hồng bôi đen, bẻ cong sự thật: “Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi”.
Theo nhà văn Triệu Xuân, Bút máu là tập truyện ngắn đặc sắc, như là tuyên ngôn của tác giả về văn chương nghệ thuật. Ngoài Bút máu, 11 truyện ngắn khác cũng toát lên ý chí, nghị lực, lòng nhân ái của một nhà văn dấn thân luôn tươi rói niềm tin vào cuộc sống, vào tình người và không bao giờ lẫn lộn giữa chính và tà, nhân nghĩa và phi nhân...
Song Vũ Hạnh không chỉ dừng chân ở địa hạt truyện ngắn với các tập Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại. Ông còn có các truyện dài và tiểu thuyết như Lửa rừng, Cô gái Xà - Niêng, Tính sổ cuộc đời, Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống, và mới đây là Người nhà trời. Với tiểu thuyết mới nhất này, nhà văn Vũ Hạnh đưa bạn đọc trở về quá khứ hơn 50 năm trước ở miền Nam. Nhân vật chính Tư Bạch - “anh nông dân lớn lên ở vùng sông nước Cần Thơ, đã có một thời ngang dọc gây khiếp hãi cho những kẻ xấu, và dầu sức học hạn chế vẫn có cái nhìn đậm màu triết học về cuộc đời này” - là một nguyên mẫu mà nhà văn được nghe kể lại rồi đưa vào tác phẩm của mình với mong muốn “cố gắng phản ánh những nét chính yếu của nhân vật này để mong lưu giữ hình ảnh độc đáo về một người Việt, sản phẩm từ miền sông nước phương Nam”.
Phát hiện và lưu giữ những hình ảnh, những nét văn hóa dân tộc là một trong những điểm mạnh ở nhà văn Vũ Hạnh. Điều này thể hiện rõ nhất ở các tập tiểu luận, phê bình của ông. Như tập Người Việt cao quý in năm 1965 tại Sài Gòn từng được rất nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên coi là sách “gối đầu giường” dù phần lớn khi ấy không hề biết tác giả là nhà văn Vũ Hạnh. Hay ở tập tiểu luận Đọc lại Truyện Kiều, nhà văn để lại dấu ấn riêng, mạnh mẽ đến mức có người gọi ông là “một nhà Kiều học độc đáo”.
Với những đóng góp đó, năm 2007, ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Những năm sau đó, dù tuổi cao, nhà văn vẫn rong ruổi khắp thành phố, tham dự các buổi giao lưu, tọa đàm, vẫn đều đặn sáng tác. Với ông, được sống và tiếp tục viết là niềm hạnh phúc lớn. Hiện ông đang hoàn thành hồi ký Cũng một kiếp người ghi lại những thăng trầm đã qua trong cuộc đời.
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam. Ông còn có các bút danh như Hoàng Thanh Kỳ, Phương Thảo, Minh Hữu, Nguyên Phủ, A.Pazzi. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông tham gia cách mạng, là cán bộ hoạt động đơn tuyến trong lòng địch, 5 lần bị địch bắt, bị tra tấn nhưng vẫn bền bỉ đấu tranh, vẫn kiên định lập trường đi theo Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.