Góc nhìn

Đừng tự rước họa vào thân!

Hà Trang 05/10/2023 - 06:18

Các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong điều trị và chữa bệnh. Tuy nhiên, thuốc cũng là “con dao hai lưỡi”, có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng.

Thông tư số 07/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định rõ danh mục thuốc được bán tại các nhà thuốc, gồm thuốc bán phải có đơn của bác sĩ và thuốc bán không cần đơn thuốc. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng hết sức nguy hiểm là người dân có thể dễ dàng mua thuốc, kể cả là thuốc kháng sinh tại nhiều nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.

Tâm lý không muốn phiền hà, mất thời gian đi khám bệnh của người bệnh hoặc người nhà, cộng với việc người bán vì lợi nhuận bất chấp quy định đã khiến tình trạng bán thuốc không cần đơn diễn ra tràn lan. Việc các nhà thuốc “tiếp tay” cho người bệnh tự dùng kháng sinh bừa bãi dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh, rất nguy hại cho bản thân người bệnh và cả cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới và từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ lên đến 91%...

Nhằm khắc phục triệt để tình trạng này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng “Khung hành động chung” làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành. Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn sinh học trong y tế, nông nghiệp.

Chúng ta cũng cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về các nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống kháng thuốc. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, đề cao trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, qua đó góp phần giảm lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý và tình trạng kháng kháng sinh.

Các loại thuốc cần phải kê đơn thường có nhiều tác dụng phụ, có thể gây ra các phản ứng có hại, không mong muốn cho cơ thể, nếu sử dụng sai sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Tự mua kháng sinh chữa bệnh không theo đơn không khác nào chúng ta đang tự rước họa vào thân. Bởi bệnh trạng của mỗi người mỗi khác, không nên tự mua thuốc để chữa mà không có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là những loại thuốc kê đơn thì người mua phải tuyệt đối tuân thủ.

Khi mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần phải được bác sĩ trực tiếp khám, chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc mới mong chữa khỏi bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng tự rước họa vào thân!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.