(HNMCT) - Cho đến lúc này, chắc hẳn nhiều người còn chưa “tiêu hóa” được tình huống dẫn đến thẻ vàng thứ hai của trung vệ Duy Mạnh trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Saudi Arabia - diễn ra vào rạng sáng 3-9.
Có nhiều điều đáng quan tâm liên quan tới sự kiện này chứ không chỉ là cách xử lý của trọng tài chính, ảnh hưởng của tổ trọng tài VAR và quả phạt đền đầu tiên mà Saudi Arabia được hưởng đối với kết quả chung cuộc... Trong đó, có vấn đề về phản ứng, giao tiếp của các cầu thủ Việt Nam với trọng tài khi đứng trước khả năng mất người và phải chịu phạt đền.
Sau trận đấu, trên mạng xã hội, một số người tỏ ra không hài lòng khi trung vệ Quế Ngọc Hải chắp tay “xin xỏ” trọng tài khi ông này rút ra tấm thẻ vàng thứ hai đối với Duy Mạnh. Những pha chiếu chậm của truyền hình sau đó cho thấy, dường như khả năng giao tiếp của Quế Ngọc Hải đối với trọng tài là khá hạn chế. Dù cho sau đó, ở những khoảng thời gian khác nhau, cặp tiền vệ trung tâm trưởng thành từ “lò” Hoàng Anh Gia Lai là Nguyễn Tuấn Anh và Lương Xuân Trường có giao tiếp trực tiếp với trọng tài nhiều hơn thì cũng không thể phủ nhận một điều: Phản ứng trong phạm vi cho phép của các cầu thủ Việt Nam đối với trọng tài là không đủ “sức nặng”.
Báo chí Việt Nam nêu vấn đề: Tuyển Việt Nam là đội bóng chịu nhiều phạt đền nhất trong số đội dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Liệu điều đó có liên quan đến khả năng “trình bày” còn hạn chế của các cầu thủ Việt Nam?
Rất khó để trả lời câu hỏi trên, nhưng những gì diễn ra trong thế giới bóng đá cho thấy khả năng ngoại ngữ giữ vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của cầu thủ. Khả năng đó giúp cầu thủ nhanh chóng hòa nhập với môi trường văn hóa - xã hội mới khi ra nước ngoài thi đấu, giúp họ giao tiếp tốt với đồng đội và huấn luyện viên, hiểu rõ cách vận hành chiến thuật...
Các ngôi sao bóng đá hàng đầu thường có khả năng này, như tiền vệ M. Kovacic (Croatia) có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, Italia, Tây Ban Nha; tiền đạo R. Lukaku (Bỉ) thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan; H. Mkhitaryan (Armenia) giỏi tiếng Anh, Italia, Đức, Pháp...
Việt Nam từng có một số cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, rất khó nói là họ đã thành công. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chắc chắn có lý do liên quan tới khả năng giao tiếp. Đó là điều mà các cầu thủ bóng đá nói riêng và vận động viên thể thao nói chung cần lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.