Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng quá tin máy đo hóa chất thực phẩm

Đinh Bách| 02/05/2013 10:14

Thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường khiến nhiều người tiêu dùng quan tâm tới loại máy đo hóa chất tồn dư trên thực phẩm.

Bà Đường Thị Thúy, nhà ở Nhật Tảo, Từ Liêm, Hà Nội vốn là người rất cẩn trọng trong việc ăn uống, lúc nào và cũng thực hiện đúng quy trình an toàn vệ sinh, “ăn chín, uống sôi”. Tuy nhiên, chỉ có việc mua thực phẩm sạch là bà Thúy đành chịu, mà phải mua ngoài chợ. Lý do là bởi giá cả mua ngoài chợ hợp với đồng lương hưu của bà hơn, lại tiện gần nhà.

Mới đây nghe nói có loại máy đo hóa chất tồn dư trên thực phẩm, bà Thúy đã tìm mua một chiếc. Loại máy này được quảng cáo là kiểm tra được dư lượng Nitrat (NO3) trong thực phẩm, rau, củ, quả, thịt tươi và kiểm tra phát hiện được phóng xạ trong thực phẩm, môi trường.

Bà Thúy cho biết, máy có thiết kế nhỏ gọn, chỉ bằng chiếc điện thoại di động, kết quả đo được báo trong vòng 15-20 giây. Tuy nhiên, bà vẫn phân vân vì loại máy này không đo biết có đo được tồn dư thuốc sâu và các loại hóa chất bảo quản trong thực phẩm, mà chất đó hiện mới là phổ biến. Ngoài ra, mới cầm đi chợ có một lần duy nhất bà đã bị người bán hàng lắc đầu ngoày ngoạy, dứt khoát không cho thử.

Không chỉ riêng bà Thúy, trên nhiều diễn đàn, do tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan nên đề tài được nhiều người quan tâm là tìm hiểu loại máy đo tồn dư hóa chất trên các loại thực phẩm.

Trên diễn đàn OtoFun.net, một thành viên chia sẻ, gia đình có mua thiết bị đo dư lượng hóa chất Nitrat, nhưng cũng bị rơi vào tình trạng như bà Thúy khi không bà bán hàng nào cho đo thử. Thành viên khác cho biết, mới đo thử một số loại hóa quả, máy cho kết quả là không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vị này cũng phân vân, không biết không đạt yêu cầu ở mức độ nào.

Đem những thắc mắc trên trao đổi với một số chuyên gia về hóa chất, vấn đề này cũng được các chuyên gia cho rằng máy đo hóa chất trên chưa giải đáp hết những lo lắng cho người tiêu dùng.

Một vị giáo sư ngành hóa thuộc đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết thực phẩm bị nhiễm độc (ô nhiễm) là do hàng tỷ tác nhân, chứ không chỉ có NO3 và phóng xạ. Các nguồn gốc làm thực phẩm bị nhiễm độc thường là phần tồn dư trong thực phẩm,ví dụ như từ phân bón: phần tồn dư, tích tụ lại trên sản phẩm như phân đạm có NO3; phân super phốt phát có các kim loại nặng… hay từ phân hữu cơ (do quá trình phân hủy chưa hoàn tất) khi dùng phân tươi, thì dẫn tới bị nhiễm giun sán, vi trùng…vv.

Loại khác là từ thuốc trừ sâu. Ví dụ như các chất Clore hữu cơ mạch thơm - dioxin hoặc các hợp chất có kẽm, đặc biệt là với kim loại nặng vv…, là những chất có độ tích tụ sinh học cao (do chất quá bền vững, để phân hủy được phải mất một thời gian hơn cả đời người), dẫn đến nhiều loại bệnh hiểm nghèo cho con người.

Ảnh máy đo hóa chất trên thực phẩm do một thành viên trên otofun.net chia sẻ


Ngoài ra còn có nguyên nhân từ các chất tăng trưởng, nhiều chất trong nhóm này đã bị cấm; chất bảo quản, ví dụ hoa quả ngâm trong Na2SiF6 (Natri silicfluciate), thịt cá tẩm với phân đạm vv…đây là những phương pháp bảo quản đã bị cấm.

Thực phẩm còn bị nhiễm độc trong quá trình lưu thông khi tiếp xúc với nguồn ô nhiễm hoặc đã bị phân hủy, ví dụ thịt cá để lâu có thể bị biến chất, không chỉ là các ổ chứa vi trùng mà còn tạo ra các sản phẩm có hại (như cá, tôm để ươn có thể tạo ra Histamin, có thể gây nôn mửa, dị ứng; hay như hoa quả để ở chỗ bẩn, bị nhiễm bán sinh hoặc hóa học. Có một thời, quả dưa lê sau khi thu hoạch được người ta cho xuống ngâm trong nước cống để nó tạo ra màu vàng đẹp, nhưng hậu quả là quả dưa bị nhiễm độc và thị trường đã tẩy chay kiểu tạo màu cho dưa này, vị giáo sư chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy, một thực phẩm bị nhiễm độc là từ rất nhiều các tác nhân. Nếu loại máy trên chỉ đo 2 thành phần thì người tiêu dùng không nên quá tin tưởng tuyệt đối rằng dùng máy đó sẽ có được loại thực phẩm an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng quá tin máy đo hóa chất thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.