(HNNN) - Không phải bỏ vốn quá lớn, thị trường “siêu rộng”, nguồn hàng dồi dào, dễ tìm và đặc biệt dễ dàng mang lại lợi nhuận, có lẽ vì vậy mà hình thức kinh doanh các mặt hàng “cũ người, mới ta” những năm gần đây thu hút khá nhiều người tham gia. Đặc biệt khách hàng của phân khúc này không chỉ còn là một nhóm nhỏ, riêng lẻ như trước, mà đã hình thành những hội, nhóm cùng sở thích, những khu chợ mua bán đồ cũ rộng lớn trong nhà, ngoài trời, trên Internet... để nhiều người cùng biết và tham gia.
Từ chợ đồ cũ truyền thống
Thực tế thì nhu cầu mua bán, sử dụng lại đồ cũ không phải là chuyện gì mới. Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tại Hà Nội đã rộ lên phong trào mặc đồ “hàng thùng”, còn gọi là “quần áo SIDA”. Chỉ là những thùng quần áo cũ do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt là SIDA) hỗ trợ các nước kém phát triển, nhưng những mặt hàng “cũ người mới ta” này đã trở thành xu hướng mua sắm rất “hot” của người tiêu dùng một thời. Từ người có thu nhập thấp, dân công sở cho đến lắm người “nhà có điều kiện” cũng sẵn sàng phóng xe đi chọn “hàng thùng” khui kiện. Đặc biệt, nếu được “khui kiện nước đầu” hoặc có thời gian chịu khó lục tìm trong đống quần áo, khăn, tất, túi, ví chất cao như núi ấy cũng có thể tìm được những sản phẩm chất lượng, còn nguyên tem mác.
Tiếp đến là những người sưu tầm đồ cổ. Với họ, những vật dụng cũ trong gia đình trung lưu, quan lại ngày xưa, từ bàn thờ, sập gụ, tủ chè đến mâm bát, cơi trầu... chưa bao giờ là đồ cũ mà từ lâu đã trở thành một niềm đam mê, thích thú. Một sở thích dùng đồ cũ nữa cũng trở thành nét văn hóa của người Hà Nội, đó là mua bán, tìm kiếm những quyển sách cũ. Những cái tên cửa hàng sách cũ như: Xưa và Nay (Láng Thượng), Sách cũ DKT (Hạ Đình), Sách cũ (27D Ngô Thì Nhậm), Sách cũ Gia Đình (Hoa Lư), Nhà sách cũ (số 5 Bát Đàn)... đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người thích săn lùng những cuốn sách quý hiếm hoặc đã ngừng xuất bản.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những chợ đồ cũ, chuyên kinh doanh các mặt hàng gia dụng, điện tử, đồ dùng gia đình... đã cũ. Chợ đồ cũ Thưởng Thưởng (ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh) được hình thành cách đây 10 năm là một trong những địa chỉ quen thuộc không chỉ với những người có thu nhập thấp, mà ngay cả những người có thu nhập cao, thậm chí có cả những vị khách nước ngoài. Đơn giản là vì ở đây có đủ các mặt hàng từ bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo, sofa, giường tủ, bàn ghế cho đến đồ điện tử như tivi, tủ lạnh, điều hòa thậm chí có cả các đồ cổ hay đồ giả cổ! Hay một dãy cửa hàng đồ cũ trên phố Minh Khai, với những biển hiệu được nhiều người biết đến như Ba Huy, Trần Hùng, Phong Phú... cũng được hình thành dựa trên nhu cầu dùng lại đồ cũ của người dân.
Đến “Flea market”, “chợ dọn tủ”... thời hiện đại
Cuộc sống hiện đại, những cá nhân có nhu cầu dùng lại đồ cũ có nhiều cơ hội giao lưu, chia sẻ sở thích, thậm chí trao đổi đồ dùng và mua bán đồ dùng của nhau. Từ đấy hình thành nên những chợ đồ cũ với những hình thức vô cùng mới mẻ và hiện đại. Mới nhất có thể kể đến hình thức Flea Market - chợ trời mua bán đồ cũ. Thực ra, trào lưu Flea Market hay Garage Sale (chợ mua bán đồ dùng lại - hạ giá) có xuất xứ từ nước ngoài. Ở các nước phương Tây, vào những dịp nghỉ lễ người ta thường dựng những khu chợ ngay trên đường phố để buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Tại Việt Nam, những “chợ phiên tổ chức ngoài trời” như vậy cũng xuất hiện. Những cái tên như: Children’s Flea Market, Hà Nội Flea Market, Chic&Cheap Flea Market, Hanoi Uppik... được tổ chức khá bài bản theo phiên hằng tuần hoặc hằng tháng, thu hút nhiều người tiêu dùng nhờ sự đa dạng của các mặt hàng. Tại đây, người ta có thể bán tất tần tật những thứ mình sở hữu, từ quần áo, giày dép, phụ kiện đến ly tách, vải vóc, đồ chơi hay ổ khóa cũ... Bà Phan Diệu Hiền, người sáng lập và tổ chức Children’s Flea Market cho biết: “Với trẻ em, từ quần áo cho đến sách vở, đồ chơi sẽ rất chóng bị thay thế bởi các em lớn rất nhanh, cùng với đó sách vở, đồ chơi theo từng lứa tuổi, cấp học cũng sẽ thay đổi. Mục đích hình thành Children’s Flea Market là tạo cho các con một sân chơi lành mạnh thú vị, một nơi cho các con tự tin giao tiếp với bạn bè, học được tính tiết kiệm, chia sẻ và giảm bớt rác thải ra môi trường”.
Tận dụng tiện ích của mạng xã hội, “chợ trời” có khi được còn được “online hóa”. Trên các trang mạng xã hội, hàng loạt các hội, nhóm như: “Dọn nhà cho đỡ chật”, “Chợ đồ cũ”, “Nhóm mua bán đồ cũ thanh lý”… được lập ra nhằm mục đích rao vặt, thanh lý đồ đã qua sử dụng, thậm chí đồ mới chưa sử dụng... với hàng nghìn người tham gia.
Thêm vào đó, mấy năm gần đây tại Hà Nội còn có trào lưu closet - clearance (chợ dọn tủ) học tập theo mô hình từ Nhật Bản. Host (người tổ chức) của các buổi closet - clearance ở Việt Nam thường là những tên tuổi khá nổi trên mạng với gu ăn mặc độc đáo, những người có ảnh hưởng thời trang đáng kể đủ để lôi kéo đông đảo các bạn trẻ đến với “chợ dọn tủ” của mình. Quy trình đăng ký bán hàng ở các buổi closet - clearance khá đơn giản, những tín đồ shopping muốn “dọn tủ” chỉ cần gửi tin nhắn để đăng ký với host, host sẽ ghép nhóm cho những người có ít đồ, sắp xếp chỗ và chuẩn bị bàn ghế cho các nhóm trước ngày diễn ra “chợ dọn tủ”. Còn tất cả những khâu còn lại, từ việc định giá sản phẩm, chuẩn bị mắc treo đồ, trang trí, chỗ ngồi đều là do người bán quyết định, miễn sao bán được hàng và cả người bán lẫn người mua đều thấy vui vẻ.
Và những thận trọng khi mua đồ cũ
Vì giá cả của những đồ cũ thường rất rẻ nên người mua không mấy khi so đo như khi mua đồ mới. Với hình thức chợ online, chỉ cần nhìn hình, thấy ưng ý mà giá cả hợp với túi tiền là sẵn sàng liên hệ đặt mua. Cũng chính vì giữa người thanh lý và người mua không có sự ràng buộc nào nên đôi khi xảy ra những điều không mong muốn và thường thì người mua sẽ bị thiệt hại. Vũ Duy Anh, admin của trang “Dọn nhà cho đỡ chật” cho hay: “Khi tham gia mạng xã hội, diễn đàn, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng nhiều tài khoản khác nhau. Đây là kẽ hở cho những kẻ lừa đảo trục lợi. Về mặt quản lý, khi nhận được báo cáo hoặc phàn nàn của các thành viên trong nhóm, admin cũng không thể làm gì khác ngoài việc loại bỏ nick cá nhân vi phạm ra khỏi nhóm, ghim bài, đặt ảnh bìa nhắc nhở, cảnh báo các thành viên khác. Chính vì thế, trước khi mua đồ cũ, bạn nên lựa chọn những kênh bán đồ cũ uy tín cùng các phương thức giao dịch an toàn như đến tận nơi xem hàng hoặc nhận hàng, kiểm tra rồi hãy trả tiền”. Với lĩnh vực quần áo, túi, giày dép thời trang, đừng quên xem hàng thật kỹ”.
Theo bà Phan Diệu Hiền, cách để khách hàng hoàn toàn yên tâm về sản phẩm cũ mà họ mua về chính là hướng dẫn, đưa ra những quy định cho người bán hàng, ở đây là các bạn nhỏ của Children’s Flea Market, rằng: “Đồ mang ra trao đổi phải là đồ còn tốt, còn dùng được, ví như một món quà đã bên con một thời gian nay con mang ra đem tặng cho các bạn”... Có như thế sở thích dùng lại đồ cũ mới thực sự đem lại lợi ích cho con người và cho cuộc sống hiện tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.