Chính trị

Dũng khí giữ niềm tin với nhân dân

Bình Yên - Tuấn Anh - Triệu Hoa 06/02/2020 09:07

(HNMO) - Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ: “Một đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà sinh ra khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Với tất cả bản lĩnh và dũng khí của một đảng cách mạng, cầm quyền do Bác sáng lập và rèn luyện, thời gian qua, đặc biệt là từ sau Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã mạnh dạn nhìn vào khuyết điểm để xử lý, kỷ luật một bộ phận đảng viên “hư hỏng”.

Nhìn thẳng vào sự thật, dù có cay đắng đến mấy!

Xuân Canh Tý 2020, dân tộc ta đón nhận sự kiện vô cùng quan trọng: Đảng ta tròn 90 năm thành lập. Mỗi người dân Việt Nam luôn có niềm tự hào vô hạn về Đảng với truyền thống lịch sử vẻ vang mà Bác Hồ khẳng định là đạo đức, là văn minh. Niềm tin của Đảng với dân tộc và nhân dân vô cùng sâu sắc, cũng như niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ hết sức bền vững.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

Trong cảm nhận của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đó là một sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận được, nhất là qua các thử thách gian nan của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong sự nghiệp đổi mới gần 35 năm qua do chính Đảng lãnh đạo và khởi xướng.

Tuy nhiên, trong thời kỳ mở cửa hội nhập hiện nay, bên cạnh những nhân tố tích cực, thành tựu khởi sắc thì chúng ta cũng có những khuyết điểm, hạn chế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018), bên cạnh việc khẳng định những mặt mạnh của công tác cán bộ, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận diện và chỉ rõ nhiều hạn chế, khuyết điểm.

"Suy giảm niềm tin là mất mát lớn về phương diện giá trị tinh thần, là thách thức đối với sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh của Đảng. Tình trạng đã đến lúc trầm trọng, nặng nề và không làm không được!" - GS. TS HOÀNG CHÍ BẢO.

Giải thích về điều này, GS.TS Hoàng Chí Bảo nêu: “Sở dĩ niềm tin của nhân dân suy giảm bởi vì họ trực tiếp chứng kiến biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền là xa dân, quan liêu, hách dịch và nghiêm trọng hơn là tham nhũng. Đảng ta từ nhiều khóa đại hội trước đây đã coi tham nhũng là một quốc nạn. Tham nhũng có thể coi là sự phản cảm lớn nhất trong cách nhìn nhận của người dân đối với Đảng, đối với chế độ”.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được làm thật mạnh, xử lý cho được cán bộ vi phạm nghiêm trọng để giáo dục, răn đe, ngăn ngừa và cảnh báo. Đây thực chất là cuộc chiến quyết liệt để bảo vệ sự trong sạch của Đảng, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

“Sự thật này dù có cay đắng đến mấy cũng phải nhìn nhận để sửa chữa!”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Làm nghiêm để lấy lại tình thương yêu, quý trọng của nhân dân

Thể hiện rõ quyết tâm chính trị và bản lĩnh chính trị trong việc đẩy lùi tham nhũng và phải làm trong sạch đội ngũ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong lãnh đạo, quản lý, bảo vệ lợi ích, quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi theo đúng mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng ta đã thực hiện phương châm như Bác dạy “nói đi đôi với làm” và hành động quyết liệt.

Thực hiện các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", với bản lĩnh của một Đảng cách mạng, Đảng ta tuyên bố đấu tranh chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Thông điệp giản dị mà sâu sắc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” đã làm nức lòng nhân dân thời gian qua.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Trung ương Đảng xác định công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ là then chốt.

Và việc làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là phải để nhân dân nhìn thấy thành quả thực tế chứ không chỉ là bất cứ thông điệp hay lời tuyên bố nào, dù mạnh mẽ, sâu sắc đến mấy. Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Đảng ta đã xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, trong đó hơn 90 cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, một số Ủy viên Trung ương khóa XII và nguyên Ủy viên Trung ương khóa trước đã nhận các án kỷ luật là minh chứng cho quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần tích cực vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giữ vững kỷ cương, kỷ luật; đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin nhân dân.

“Chưa bao giờ Đảng ta phải kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp như hiện nay. Riêng tình huống này đủ phản ánh một thực tế là cuộc chiến chống tham nhũng gay gắt, quyết liệt như thế nào. Đảng ta đã xác định rõ không chỉ có quyết tâm, bản lĩnh chính trị mà phải giữ được tín tâm -  đó là niềm tin của nhân dân”, GS.TS Hoàng Chí Bảo phân tích.

Khẳng định việc Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm khắc những cán bộ đảng viên sai phạm đã lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương còn nhấn mạnh, từ sau Đại hội XII đến nay, Đảng ta mạnh dạn nhìn vào khuyết điểm, xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên vi phạm mà không sợ mất uy tín.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

“Có một số ý kiến cho rằng xử lý nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp như vậy có ảnh hưởng đến uy tín của Đảng không? Có bị thế lực nước ngoài lợi dụng kích động, chống phá không? Sự thật là khi Đảng đã mạnh dạn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì càng làm cho Đảng ta trong sạch hơn, từ đó Đảng mạnh hơn, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng”, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, phải giết đi một con sâu để cứu cả rừng cây là việc cần thiết phải làm. Niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ được củng cố nếu người dân cảm nhận được quyết tâm, bản lĩnh chính trị trong việc đẩy lùi tham nhũng và phải làm trong sạch đội ngũ của toàn Đảng, và đó cũng là minh chứng rõ nhất: “Nói đi đôi với làm”.

Phải xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên là điều thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân - PGS.TS NGUYỄN VIẾT THÔNG.

Những thông báo công khai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những hình thức xử lý kỷ luật mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt thực hiện thời gian qua đã làm nức lòng nhân dân. Tất cả những việc làm cụ thể như vậy khẳng định quyết tâm đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII): “Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dũng khí giữ niềm tin với nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.