Ngày 29-4, tại Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tổ chức khám sàng lọc, chẩn đoán xác định tình trạng sức khỏe nhằm cải thiện và hồi phục lại các kỹ năng, khả năng giao tiếp, tư duy cho học sinh khuyết tật.
Trong khuôn khổ chương trình, 60 học sinh của Trường PTCS dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội khám cân đo chiều cao, khám răng hàm mặt, khám mắt, khám nội soi, khám phân loại khuyết tật. Từ đó, các bác sĩ phát hiện ra các bệnh lý và hướng điều trị sau này cho các em học sinh khuyết tật để cải thiện và hồi phục lại các kỹ năng, khả năng giao tiếp, trí nhớ, tư duy của các em được tốt hơn.
Chia sẻ về chương trình này, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Lê Tự Lực cho biết, đây là một trong các hoạt động ý nghĩa do Hội tổ chức hưởng ứng Tháng Nhân đạo 2025, cũng như nhằm chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người khuyết tật. Hoạt động khám sàng lọc, chẩn đoán xác định tình trạng sức khỏe cho trẻ câm điếc nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội phát triển công bằng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng nhân ái. Trên cơ sở kết quả khám sàng lọc, Hội Chữ thập đỏ thành phố sẽ xây dựng các chương trình phù hợp thể trạng từng cá nhân, giúp các em được vui chơi, học tập tùy thuộc mức độ, đặc thù của dạng tật, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) được thành lập từ năm 1990, chuyên chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật thuộc các dạng khiếm thính, trẻ điếc không còn khả năng phát âm, tự kỷ, mắc tật chậm phát triển trí tuệ, trẻ khuyết tật…
Hiệu trưởng nhà trường, ông Tạ Ngọc Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Phong trào Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, chia sẻ, chương trình khám sàng lọc sức khỏe miễn phí này một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ Hà Nội đối với các em học sinh khuyết tật, thiệt thòi của nhà trường. Hoạt động này cũng góp phần tạo cơ hội phát triển công bằng cho trẻ em khuyết tật - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng nhân ái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.