Hôm vừa rồi, khi đang chở con đến trường, tôi bất chợt được chứng kiến hình ảnh không mấy dễ chịu.
Một loạt phương tiện đang lưu thông trên một con phố trung tâm bỗng dưng bị bảo vệ một văn phòng công ty ngăn lại để cho chiếc xe 7 chỗ từ phía trong nhà lùi ra phố. Như vậy, để thuận tiện cho một cá nhân, cả dòng xe cộ bị ùn lại, ảnh hưởng đến lưu thông chung.
Đem chuyện nói trên kể cho một số anh em thì được biết, họ cũng đã không ít lần gặp phải tình huống tương tự khi tham gia giao thông, nhất là tại khu vực có các tòa nhà cho thuê văn phòng, phố hẹp. Tuy nhiên, cũng chẳng ai muốn ý kiến, có lẽ một phần bận việc, một phần để tránh cãi vã, to tiếng dù rất không hài lòng với cách hành xử tùy tiện của một số cá nhân như trong trường hợp kể trên.
Thay vì tự cho mình “cái quyền” ngăn cản phương tiện đang lưu thông, đáng lý, họ phải quan sát thời điểm phương tiện lưu thông thuận lợi rồi hướng dẫn lái xe nhập vào làn phương tiện dễ dàng mà lại hạn chế tối đa gây ảnh hưởng tới “dòng chảy” xã hội. Làm như vậy cũng giúp họ không vi phạm các quy định của pháp luật, cụ thể là “cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ”.
Bởi lẽ, ngoài cảnh sát giao thông, chỉ có một số lực lượng chức năng khác như thanh tra giao thông, lực lượng cảnh sát khác, công an xã… có quyền dừng, điều tiết phương tiện đang tham gia giao thông. Dẫu vậy, các lực lượng nói trên cũng chỉ được phép “thi hành công vụ” trong những trường hợp cụ thể như có đoàn xe ưu tiên đi qua, hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm, hoặc khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp…
Cũng liên quan tới giao thông, gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thông tin một số bạn trẻ thản nhiên dừng xe ở lòng đường, thậm chí đứng ra giữa đường để “check-in” thông qua ứng dụng iHanoi. Được biết, khi cài đặt ứng dụng iHanoi, người dân có thể vào mục camera giao thông để xem hình ảnh từ các camera trên địa bàn thành phố và một số bạn trẻ đã “sáng tạo” ra cách check-in mới bằng cách vi phạm luật giao thông, chụp ảnh màn hình rồi chia sẻ lên mạng xã hội nhằm thỏa mãn đam mê “sống ảo”.
Chưa biết hành động kể trên sẽ đem lại lợi ích gì, nhưng rõ ràng đó là hành động vi phạm nghiêm trọng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Không những vậy, hành động tùy tiện còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn về cả người và tài sản cho chính bản thân họ.
Được biết, ứng dụng iHanoi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, được đưa vào sử dụng từ tháng 7-2024. Thông qua kênh tương tác này, người dân, doanh nghiệp có thể phản ánh toàn diện các vấn đề về đời sống dân sinh, những việc gây bức xúc để các cấp chính quyền tiếp nhận thông tin, giải quyết kịp thời.
Việc sử dụng ứng dụng còn cho phép người dân biết tình hình giao thông trên các tuyến phố thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, qua đó chọn lộ trình di chuyển thuận lợi, tra cứu các tuyến xe, tra cứu thông tin về việc "phạt nguội", tiếp cận các bản đồ du lịch, di tích lịch sử, văn hóa… Như vậy, nếu được sử dụng đúng mục đích, đây thực sự là ứng dụng vô cùng hữu ích cho người dân. Tiếc là, một số bạn trẻ đã vận dụng “sáng tạo” tùy tiện ứng dụng này, không chỉ làm ảnh hưởng tới xã hội mà còn gây nguy hiểm cho bản thân.
Chắc hẳn, nhiều người sẽ đồng tình với quan điểm cho rằng, chỉ thuộc khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” thôi là chưa đủ, mà phải gắn với thực tiễn hành động. Bởi vậy, mỗi công dân cần tìm hiểu, nắm chắc và vận dụng chính xác các điều luật trong cuộc sống, thay vì hành động tùy tiện, thiếu suy nghĩ để rồi phải trả giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.