(HNNN) - Hôm vừa rồi, tình cờ nghe cô em nói có hôm con của cô phải dậy từ 5h sáng để học thêm một lớp trực tuyến miễn phí để bổ sung kiến thức trước kỳ thi, chợt nghĩ tới nhiều phụ huynh là bạn bè cũng tất bật đưa đón con học thêm mỗi tối. Có thể thấy áp lực học hành rất lớn, đặc biệt là trước mỗi kỳ thi, đang dồn lên vai học sinh với kỳ vọng lớn lao của gia đình. Mà khả năng tiếp thu thì không phải cháu nào cũng tốt, cũng có thể đáp ứng mong mỏi của phụ huynh, giáo viên. Đó chính là lý do, thời gian qua, không ít học sinh rơi vào trầm cảm, có những hành động dại dột.
Gần đây, dư luận rộ lên thông tin về việc phụ huynh một số lớp, trường THCS “vận động”, ép học sinh và gia đình cam kết không đăng ký thi vào lớp 10 công lập bởi với sức học yếu, có thi cũng chắc chắn trượt. Thực ra, chuyện tư vấn, hướng nghiệp là bình thường. Điều đó sẽ làm giảm công sức, chi phí cho gia đình, xã hội, đồng thời giúp mỗi học sinh tìm ra được hướng đi, định hướng nghề nghiệp sớm, phù hợp với năng lực. Cách đây 20 - 25 năm, việc định hướng, tư vấn đã được tiến hành ở các trường THPT nhằm giúp học sinh chọn bước chân vào đại học hay học nghề. Việc làm này được học sinh, phụ huynh hết sức ủng hộ. Có lẽ cách “vận động”, “tư vấn” hiện nay ở đâu đó chưa thật phù hợp và có thể bị ảnh hưởng từ “bệnh” thành tích nên dẫn tới phản ứng tiêu cực. Rõ ràng, nếu có cách tiếp cận phù hợp với từng gia đình, từng học sinh, việc tư vấn, phân luồng theo sức học là thiết thực, hữu ích. Khi phụ huynh hiểu rõ năng lực của con em mình, họ sẽ có lựa chọn, định hướng vừa sức, tránh tạo áp lực quá lớn cho con trẻ.
Tạo áp lực học hành là cần thiết, nhưng sức ép quá lớn có thể gây hậu quả khôn lường. Thay vì ép con thành... nhân tài, phải thi vào những trường theo ý phụ huynh, hãy tạo điều kiện vui chơi, học hành hài hòa, tốt nhất là có thể để trẻ phát huy hết khả năng sáng tạo của bản thân, được chủ động lựa chọn những trường, những ngành phù hợp với sở thích, năng lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.