Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để chết chỉ vì thiếu hiểu biết!

Anh Thư| 26/03/2016 07:37

(HNM) - Vụ phá bom bằng... đèn khò khiến 5 người chết, 8 người bị thương xảy ra tại Văn Phú (quận Hà Đông) ngày 19-3 vừa qua một lần nữa dấy lên những lo ngại trong dư luận. Hơn 40 năm sau chiến tranh, danh sách nạn nhân các vụ nổ do bom, mìn vẫn tiếp tục gia tăng.

Hiện trường vụ nổ ở Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông).


Chuyện chỉ có ở... Việt Nam!

Sau vụ nổ thảm khốc xảy ra tại Văn Phú, rất nhiều người đã bày tỏ sự khó hiểu khi giữa Thủ đô mà vẫn có người điềm nhiên ngồi "cưa bom" giữa ban ngày khiến bản thân tử vong, kéo theo hàng chục người bị thương vong khác. Trên thực tế, hành động "cưa bom" chỉ có ở Việt Nam này vẫn xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố. Cụ thể, ngày 14-10-2015, 3 người đàn ông trú tại Thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã nhặt được một quả bom nên rủ nhau cùng "cưa" lấy thuốc nổ và phế liệu đem bán. Quả bom phát nổ khiến 2 nạn nhân là Phạm Đình Thu và Lê Tấn Quang chết tại chỗ; nạn nhân Nguyễn Văn Thông bị thương nặng...

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng danh sách các nạn nhân về bom, mìn vẫn tiếp tục dài mãi. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) thực hiện năm 2002, mỗi năm Việt Nam có hơn 3.800 người chết và bị thương do tai nạn bom, mìn. Hiện nay, số vụ tai nạn đã giảm nhưng vẫn còn khoảng 2.000 thương vong do bom, mìn. Đáng nói, hơn 48% nạn nhân các vụ tai nạn đều trong độ tuổi lao động, 38% là trẻ em.

Điều tra cũng cho biết, nguyên nhân xảy ra tai nạn nhiều nhất là do trẻ em không hiểu biết nhặt được bom đạn thì mang ra chơi (thường là bom bi, đạn M-79), 18% do cuốc, giẫm phải trong quá trình lao động. Đáng nói có tới 30% các vụ nổ bom, mìn xảy ra do người dân đi nhặt phế liệu, nhặt được bom đã mang ra cưa, đục nhằm lấy thuốc nổ hoặc bán phế liệu.

Nhiều rào cản

Bà Trần Thu Hằng - Phó phòng Truyền thông và Phát triển nguồn lực (Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) - phụ trách Dự án "Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế - xã hội đối với nạn nhân bom, mìn" cho biết, đa số trường hợp người dân mang "thần chết ra cưa" là do suy nghĩ rất đơn giản: Bom đã "điếc" mấy chục năm thì không thể nổ được nữa. Hoặc cũng có trường hợp không biết đấy là bom. "Việc nâng cao truyền thông cho người dân nhận diện bom, mìn và các hậu quả của bom, mìn là rất quan trọng. Đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao như: Trẻ em, người làm nghề gom nhặt, thu mua phế liệu, người dân ở các vùng đất có bom, mìn còn sót lại trong đất cao. Không thể để mặc người dân tự "nâng cao ý thức" - bà Hằng nhận định.

Theo bà Hằng, ngay cả các vùng đất không có phơi nhiễm bom, mìn, chính quyền địa phương vẫn cần cảnh giác. Nhất là các cơ sở kinh doanh phế liệu, rất dễ thu mua vật liệu nổ hoen gỉ mà không biết hoặc vô tư nghĩ rằng chúng không nổ. "Kinh nghiệm với các tỉnh là chính quyền địa phương vào cuộc để truyền thông cho bà con. Yêu cầu họ khi thu gom các phế liệu có hình dáng như bom, mìn hoặc nghi là bom, mìn thì phải thông báo ngay cho chính quyền để họ xử lý" - bà Hằng cho biết.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được tuyên truyền, vận động, một trong những rào cản khiến người dân "ngại" giao nộp vũ khí, bom, mìn là do các thủ tục còn quá rườm rà, mức hỗ trợ thấp. Mới đây nhất, qua nắm bắt tình hình, Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) phát hiện anh Trần Cảnh Hiền (trú tại phường Vĩnh Điện) có một "kho" vũ khí, bom, mìn... lên đến cả trăm hiện vật. Số vũ khí này được anh Hiền thu thập trong nhiều năm với mục đích mở bảo tàng tư nhân. Sau khi được vận động, tháng 11-2015, anh Hiền đã tự động giao nộp toàn bộ "kho" vũ khí cho Bảo tàng Điện Bàn. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng giao nộp, đến nay anh Hiền vẫn chưa biết sẽ nhận được mức hỗ trợ là bao nhiêu, trong khi số tiền anh bỏ ra mua "kho" vũ khí ước tính lên tới 100 triệu đồng. Trước những "rào cản" như vậy, con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất của những vũ khí, bom, mìn ít giá trị trưng bày nhưng còn nguyên sức nổ là đến với "thị trường" đồng nát.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thắm - Văn phòng Luật sư Hồng Thái và đồng nghiệp, căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định số 26/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5-4-2012 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không được trang bị hoặc sở hữu vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ bất cứ nguồn gốc nào đều phải giao nộp cho cơ quan công an hoặc cơ quan quân sự để xử lý theo quy định. Nếu không giao nộp thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu về tội Tàng trữ trái phép vật liệu nổ theo Điều 232 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn hậu quả của bom, mìn vẫn chính là công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự giác giao nộp, bên cạnh đó cơ quan chức năng, chính quyền sở tại cần kiểm tra chặt chẽ các cơ sở mua bán phế liệu nhằm phát hiện, thu gom kịp thời bom, mìn, vật liệu nổ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để chết chỉ vì thiếu hiểu biết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.