(HNM)- Dự án đường 5 kéo dài, trong đó có cầu Đông Trù, là một trong những công trình trọng điểm của thành phố. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhà thầu, tiến độ phần cầu chính cầu Đông Trù đang được đẩy nhanh và đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, do một số chậm trễ trong công tác bồi thường phần hoa màu trên đất bãi thuộc xã Đông Hội (Đông Anh) nên vài ba ngày gần đây người dân bức xúc, cản trở thi công. Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời, cầu Đông Trù có nguy cơ chậm tiến độ.
Dân ngăn cản, công nhân khổ
Ngay khi nhận được thông tin những ngày gần đây, nhân dân thôn Đông Trù, xã Đông Hội ngăn cản các nhà thầu thi công dự án cầu Đông Trù, PV Báo Hànộimới đã có mặt tại hiện trường. Hà Nội đang trong những ngày giá rét nhất, tại công trường, giường chiếu, tủ đựng quần áo, tài liệu của một số đơn vị thi công bị người dân kéo ra, vứt ngổn ngang. Liên tiếp trong ngày 3 và 5-1-2011, Ban Điều hành dự án đường 5 kéo dài (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1) đã có hai văn bản gửi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đề nghị giúp đỡ để thi công thuận lợi. Theo đó, liên tục từ tháng 9-2010 đến nay, các hộ dân đã nhiều lần tập trung đông người đến khu vực thi công yêu cầu chi trả bồi thường phần diện tích trưng dụng để làm nơi tập kết vật liệu, xây dựng lán trại. Tuy nhiên, đây là công việc của Ban Quản lý hạ tầng Tả ngạn nên các nhà thầu không thể có ý kiến về vấn đề này. Sự việc trở nên căng thẳng khi sáng 3-1, chiều 4-1 và sáng 5-1-2011, khoảng 100 người dân mang theo cuốc, xẻng, máy khoan… vào công trường chặt hạ cây cối, đào đường, khiêng giường tủ của Công ty Thi công cơ giới 1 ra ngoài trời. Có mặt tại hiện trường sáng 6-1, PV Báo Hànộimới ghi nhận phản ánh đó là có thực. Lối vào công trường đã bị người dân chặn, không cho xe vào. Khu văn phòng đã bị khiêng giường, tủ ra giữa trời. Người dân còn đổ đá răm vào phòng làm việc và nhà nghỉ của cán bộ, công nhân. Giữa trời giá rét, chúng tôi càng cảm thông với những khó khăn mà công nhân, người lao động tại công trường đang phải gánh chịu.
Đòi hỏi của dân là chính đáng
Để hiểu rõ căn nguyên, PV Báo Hànộimới đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều người dân và ghi nhận sự bức xúc của họ. Ngày 20-9-2006, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 4131/QĐ-UBND trưng dụng đất của khu vực này trong hai năm. Ngày 5-12-2008, UBND thành phố tiếp tục có Quyết định 2431/QĐ-UBND về việc điều chỉnh thời điểm gia hạn trưng dụng đất để phục vụ thi công. Mới đây, ngày 9-12-2010, UBND TP ra Quyết định 6081/QĐ-UBND về việc điều chỉnh thời điểm trưng dụng đất và gia hạn việc trưng dụng đất để làm mặt bằng thi công, bãi tập kết vật liệu thi công dự án đường 5 kéo dài. Theo đó, tiếp tục gia hạn trưng dụng đất thêm 2 năm, kể từ ngày 20-9-2010. Như vậy, chủ trương của TP đã rất rõ ràng.
Tuy nhiên, do sự chậm trễ của các cơ quan tham mưu về việc ban hành văn bản nêu trên, nên người dân bức xúc vì chuyện hết hạn mà vẫn không trả đất canh tác là dễ hiểu. Có mặt tại công trường, nhận được tin chính quyền địa phương đang đối thoại với nhân dân tại nhà văn hóa thôn, PV Báo Hànộimới đã có mặt để nghe phản ánh hai chiều. Một trong những đòi hỏi chính đáng nữa của nhân dân là giá bồi thường hỗ trợ bị giảm từ 50.000đ, 55.000đ/m2/2 năm xuống còn 35.000đ/m2/2 năm. Trong bối cảnh trượt giá hiện nay, giữ mức bồi thường, hỗ trợ cũ, người dân đã thiệt, huống chi là giảm! Lý giải vấn đề này, Trưởng ban Hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Đông Anh Tô Văn Đảm thừa nhận, lỗi đầu tiên thuộc về Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn, khi nhận được phản ánh của nhân dân đã không phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ kịp thời. Chính quyền địa phương cũng không bám sát, sớm tháo gỡ vướng mắc để nảy sinh bức xúc trong dân. Về giá bồi thường, hỗ trợ, ông Tô Văn Đảm cho biết, theo quy định hiện hành của TP, giá đất trồng lúa được hỗ trợ ở mức 50.000đ/m2, các loại hoa màu khác chỉ được hỗ trợ 35.000đ/m2. Về bức xúc của bà con, chính quyền địa phương sẽ ghi nhận và báo cáo, xin ý kiến thành phố để có mức hỗ trợ, bồi thường hợp lý.
Tránh để xảy ra những việc đáng tiếc
Cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài là dự án lớn của TP nói chung và huyện Đông Anh nói riêng. Theo Ban Điều hành gói thầu chính, đến ngày 31-12-2010, trụ P12 (phía Long Biên) đã hoàn thành đổ bê tông bịt đáy móng trụ. Bên phía Đông Anh, trụ P11 mới đổ được 1/3 bê tông bịt đáy móng trụ vào ngày 30-12-2010. Tuy nhiên, do nhân dân ngăn cản nên việc đổ bê tông bịt móng trụ chưa thể hoàn thành. Đây là phần việc đặc biệt quan trọng, làm tiền đề để hoàn thành phần bệ, thân trụ trước mùa lũ năm 2011 (21-5-2011 vào mùa mưa, dễ có lũ tiểu mãn). Giám đốc Ban Điều hành dự án xây dựng đường 5 kéo dài Đặng Thanh Bình hết sức lo ngại, nếu người dân tiếp tục ngăn cản thi công, các đơn vị sẽ không thể hoàn thành phần việc đã định trước lũ tiểu mãn, mà như vậy, dự án có thể bị chậm cả năm, chi phí xây dựng có thể tiếp tục tăng lên. Về phía người làm báo, chúng tôi thông cảm với bức xúc, đòi hỏi chính đáng của nhân dân địa phương, nhưng rất mong cần có sự kiềm chế, tránh dẫn đến những sự việc không mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.