Với 19 dự án trên các lĩnh vực đã và đang được triển khai, đặc biệt trên địa bàn thị trấn có 5 dự án lĩnh vực bất động sản gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa (nằm trong quy hoạch mở rộng thị trấn Đức Thọ và vùng phụ cận đến năm 2035), huyện Đức Thọ hứa hẹn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển và là một môi trường thực sự an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư.
Tới dự có các đồng chí: Trần Báu Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Trưởng đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện Đức Thọ; Trần Văn Kỳ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.
Về phía huyện Đức Thọ, có các đồng chí Nguyễn Thành Đồng - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy; Đặng Giang Trung - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện; Trần Hoài Đức - Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy.
Nằm trong Quy hoạch tổng thể của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ đã được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đức Thọ và vùng phụ cận đến năm 2035, tại QĐ số 1968/QĐ-UBND ngày 18-8-2023. Theo đó: Phạm vi nghiên cứu của đồ án quy hoạch rộng 1.802,7 ha, bao gồm toàn bộ diện tích của thị trấn, xã Tùng Ảnh và một phần diện tích của 2 xã Tân Dân và Bùi La Nhân. Đây là trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, công nghiệp, đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao và xã hội huyện Đức Thọ.
Thị trấn Đức Thọ nằm trên điểm giao nhau của hai tuyến liên hệ vùng: Tuyến Đông - Tây kết nối Nghi Xuân, Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các nước sử dụng chung đường 8. Tuyến Bắc Nam kết nối tỉnh Nghệ An đến đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Vũ Quang. Đây là động lực, tiền đề và cở sở để phát triển thị trấn Đức Thọ thành trung tâm kinh tế phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh.
Định hướng phát triển không gian đô thị chính bao gồm: Khu trung tâm hành chính; Khu dịch vụ du lịch đảo nổi sông La: Hệ thống sông nước trong khu vực quy hoạch là điểm nhấn, lá phổi xanh cho toàn khu nghiên cứu. Khu dịch vụ du lịch tâm linh: Với lợi thế khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú kết hợp với bến Tam Soa ở phía Tây, khu vực nghiên cứu tạo thành một khu tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu về cội nguồn. Các khu công viên, cảnh quan ven sông: Bố trí công viên trung tâm Hồ Mai, công viên hồ điều hòa, và các khu vui chơi trải nghiệm với các chức năng chính: Nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, tổ chức lễ hội...
Mạng lưới giao thông đô thị được quy hoạch thành 3 cấp: Đường trục chính đô thị, đường chính khu vực và đường khu vực, đảm bảo yêu cầu cho phát triển đô thị lâu dài, bền vững. Điểm nhấn là trục chính đô thị rộng 100m kết nối Quốc lộ 8 và trung tâm đô thị, đây là tiền đề phát triển trục đô thị mới hiện đại, thông minh là điểm nhấn kiến trúc cảnh quan của đô thị.
Ngoài ra, tiếp tục phát huy vai trò của tuyến đường sắt Bắc Nam và ga Yên Trung cũng như quy hoạch tuyến đường thủy sông La đạt tiêu chuẩn tuyến sông cấp III có 1 cảng hàng hóa, 1 bến thủy nội địa và 1 bến thuyền du lịch. Đồ án đảm bảo tính kết nối đồng bộ, phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật đô thị loại III, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài. Phát triển đô thị thị trấn Đức Thọ ngày càng khẳng định vai trò đô thị, là động lực cho huyện Đức Thọ nói riêng và vùng Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh nói chung, là một trong những hạt nhân trong hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 8, từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Đồ án đã góp phần cụ thể hóa một phần Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8-11-2022. Là tiền đề để huy động nguồn lực đầu tư, cơ sở pháp lý thực hiện xây dựng và quản lý trật tự đô thị theo quy hoạch.
Huyện Đức Thọ hiện có 19 dự án đã và đang triển khai xây dựng, với tổng nguồn vốn dự kiến gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, 6 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản; 5 dự án lĩnh vực CN - TTCN, năng lượng; 4 dự án lĩnh vực thương mại, , dịch vụ, du lịch; 2 dự án lĩnh vực văn hóa; 1 dự án cấp nước sinh hoạt và 1 dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà ghi nhận và biểu dương sự năng động, quyết liệt của huyện Đức Thọ trong xây dựng và hoàn thiện Đồ án quy hoạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị huyện Đức Thọ thường xuyên công khai Đồ án quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đức Thọ và vùng phụ cận đến năm 2035, và quy hoạch 19 dự án đã, đang triển khai trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý quy hoạch. Tạo thuận lợi để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư. Tập trung cao các giải pháp xúc tiến đầu tư một cách linh hoạt, từng bước hiện thực hóa các dự án hiệu quả và bền vững. Nhất là những dự án gắn với tiềm năng, lợi thế như: Trung tâm Logistic Đức Thọ tại thị trấn, một trong những dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, với mục tiêu xây dựng kho bãi phụ vụ xuất nhập khẩu; Du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa tâm linh Sông La kết nối Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú...
Đổi mới, sáng tạo chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư. Tăng cường làm tốt công tác môi trường. Tạo môi trường an toàn, thân thiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.