(HNM) - Andrea Pirlo còn đó, nghĩa là những nỗi ám ảnh về thất bại cay đắng trong trận bán kết World Cup 2006 vẫn sẽ còn đè nặng lên tâm trí HLV ĐT Đức - Joachim Loew…
Có tiền vệ Pirlo (21), đội tuyển Italia có thêm động lực chiến thắng trong trận bán kết EURO 2012 với đội tuyển Đức. |
1. Khi ấy, Loew còn là trợ lý của Juergen Klinsmann. Khi ấy, ông đã phải chứng kiến "đàn đại bàng sông Rhine" đang tốc cánh bay trên đầu gió bị "bắn hạ" với hai mũi tên (từ Grosso và Del Piero, ở những phút cuối của hiệp phụ thứ hai), sau khi đã bị ngăn chặn bởi một mành lưới thép, với những mối nối được thiết lập bằng khả năng điều phối vô song của chính Pirlo - người được Tiểu ban kỹ thuật FIFA bầu là "Cầu thủ xuất sắc nhất" cuộc thư hùng đó.
Khi ấy, Italia là những người chiến thắng. Nhưng khi ấy, cuộc cách tân của ĐT Đức mới chỉ bắt đầu, và đội bóng Thiên thanh cũng chưa thay đổi nhiều như bây giờ.
2. Đức và Italia, kẻ trước người sau, đều đang cố gắng rũ bỏ những hình ảnh cũ kỹ mang đầy nỗi đau quá khứ, để tìm kiếm thành công hiện tại và hướng đến tương lai. Song, nếu người Đức đã bắt đầu trở nên khoáng đạt hơn từ mùa hè 2006 rực lửa đó, thì đến tận bây giờ, Italia mới thực sự "lột xác". Cách họ bắn phá dữ dội khung thành ĐT Anh ở tứ kết (với tổng cộng 36 cú dứt điểm) làm nhòa nhạt những khái niệm mang tính ước lệ về một tập thể gồm toàn những chuyên gia phản công.
Có điều, khi Pirlo vẫn đang là tâm điểm của mọi đường lên bóng, và vẫn đang hiện hữu như một chứng nhân lịch sử, thì sự thay đổi lại mang tới những hoài nghi. HLV Cesare Prandelli vừa khẳng định: "Chúng tôi sẽ tấn công!", nhưng rõ ràng sự sắc bén của các chân sút Italia không thể so sánh với cuộc "biểu dương lực lượng" rầm rộ mà ĐT Đức vừa hoàn tất trước thành trì Hy Lạp. Trong khi đó, sự thua thiệt về thể lực (vừa phải vắt sức thi đấu 120 phút, vừa được nghỉ ít hơn 2 ngày) rất có thể sẽ khiến Italia phải trả giá đắt, nếu muốn hướng tới một cuộc đọ sức cởi mở và sòng phẳng. Trẻ trung hơn, sung mãn hơn, tốc độ hơn, các cầu thủ Đức hoàn toàn có thể cuốn đối thủ vào một guồng quay tàn khốc, với một nhịp độ lên bóng điên cuồng.
Mà xét cho cùng, những vệ tinh quanh Pirlo bây giờ (Marchisio, Montolivo, De Rossi, Cassano hay Balotelli) đâu đã sở hữu thứ "uy vũ" đầy hăm dọa của những Cannavaro, Gattuso, Zambrotta hay như Totti năm xưa?
3. Năm xưa, ít người nhớ rằng Pirlo đã tỏa sáng rực rỡ đến thế, còn là nhờ một yếu tố ngoài sân. Kênh truyền hình Sky Italia đã góp công không nhỏ vào chiến thắng, khi tác động bằng hình ảnh để FIFA phải treo giò Torsten Frings - tiền vệ phòng ngự hàng đầu ĐT Đức ngày đó, ngay trước thềm trận bán kết Đức - Italia. Không có T.Frings, Michael Ballack trở nên cô độc, cuộc chiến ở tuyến giữa trở nên dễ dàng hơn khá nhiều cho hàng tiền vệ đối địch - với Pirlo là hạt nhân.
Vả chăng, vị chỉ huy Marcelo Lippi năm 2006 rõ ràng là được đánh giá cao về "tài thao lược" hơn nhiều so với Prandelli của hôm nay. Lippi sở hữu sự "lão luyện" về cả tinh thần lẫn những "chiêu thức" chuyên môn, sau rất nhiều năm tháng chinh phục đỉnh cao ở cấp CLB, còn Prandelli thực tế vẫn chỉ là một khách lạ của danh vọng. Sẽ rất khó để kỳ vọng vị HLV đương nhiệm thực hiện những nước cờ xuất sắc như thế, như khi Lippi tung thêm Del Piero (chứ không phải là một hậu vệ) vào sân, ngay sau khoảnh khắc Grosso khai thông bế tắc. Ngược lại, trong bối cảnh "thiếu trước hụt sau" như lúc này, Prandelli chỉ có thể trông cậy vào sức tỏa sáng của các cá nhân đơn lẻ, mà Pirlo vẫn là niềm hy vọng lớn nhất.
4. "ĐT Đức sẽ không chơi bóng một cách cẩn trọng như người Anh!" - chính Pirlo khẳng định. Anh biết là cuộc đối đầu này sẽ khó khăn hơn gấp bội, khi đoàn quân của Loew - đầy khao khát và thừa táo tợn - sẽ không hèn nhát co mình hướng tới loạt sút luân lưu, mà sẽ mở những đợt tấn công trên toàn mặt sân, để chờ đợi một cú sút xa (của Lahm, Schweinsteiger hay Khedira), một pha xâm nhập (của Oezil, Podolski hay Mueller) hoặc một cú đánh đầu sấm sét (của Gomez hay Klose) mở "đột phá khẩu".
Một đường chuyền dài chuyển thủ thành công, hay một cú sút phạt mẫu mực, một cây đũa nhạc trưởng thiên tài… - chỉ một mình cá nhân Pirlo là không đủ. Anh còn đó, nhưng để chiến thắng, Italia vẫn cần sự tận tụy của cả một tập thể. Và có lẽ hơn thế, Azzurri cũng cần tìm lại những phẩm chất trí xảo đặc trưng đã từng khét tiếng của mình, như người Đức cũng đang mài giũa lại thứ "tinh thần thép Germany"!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.