(HNM) - Cuộc triển lãm 68 tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng vừa khai mạc sáng 9-11, tại Bảo tàng Hà Nội. Qua triển lãm, mong muốn của Ban tổ chức là dần thay đổi nhận thức của mỗi người về vai trò của mỹ thuật trong việc tạo dựng không gian sống.
“Nguồn sống”, tác phẩm đoạt giải nhất của tác giả Trần Văn Thược. |
Triển lãm được Bộ VH-TT&DL, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động từ tháng 4, ngay lập tức gây được sự chú ý trong giới điêu khắc và kiến trúc vì “động” vào điểm yếu cũng như trăn trở của giới nghệ thuật.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, hoạt động này nhấn mạnh vào tính ứng dụng của mỹ thuật trong đời sống xã hội. Hiện nay, nhiều đô thị đang phát triển, các tòa nhà, khu vui chơi, công trình công cộng mọc lên nhanh chóng nhưng trong không gian ấy vẫn thiếu những biểu tượng kiến trúc, tác phẩm điêu khắc thuần Việt, mang dáng dấp đặc trưng của công trình. Thực tế, nhà điêu khắc của ta ít khi nghĩ tác phẩm của mình sẽ đặt ở đâu nên trong khi sáng tác thường chỉ đưa vào đó thông điệp, ý tưởng nghệ thuật… Đó là rào cản khiến mỹ thuật khó đi vào đời sống. Ở nhiều nơi trên thế giới, những tác phẩm điêu khắc, biểu tượng là một phần của công trình xây dựng, góp phần tạo dựng không gian giàu tính thẩm mỹ.
“Biết sử dụng nghệ thuật để làm tăng giá trị cho không gian sống là nhà đầu tư thông minh, bởi nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân ngày càng cao”, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định. |
Triển lãm thu hút sự tham gia của 276 tác giả ở 45 tỉnh, thành phố với 578 tác phẩm - tất cả đều là lời gợi ý về giải pháp kết hợp giữa điêu khắc, kiến trúc với công trình, không gian cụ thể. Như tác phẩm “Nguồn sống” giành giải nhất của tác giả Trần Văn Thược (Ninh Bình) được giả định là sẽ đặt trước cổng làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Tác phẩm đoạt giải ba của tác giả Nguyễn Thị Lan Anh (Hà Nội) là biểu tượng kiến trúc cho các đảo giao thông phía Bắc cầu Đăk Bla (Kon Tum)…
Theo Hội đồng nghệ thuật, 68 tác phẩm đều có tính thẩm mỹ, thể hiện tư duy sáng tạo. Tuy thế, theo Ban tổ chức, hiện vẫn chưa có tác phẩm nào chính thức được nhà đầu tư hoặc chủ công trình “để mắt” tới, có thể do đây mới chỉ là ngày đầu triển lãm. Dù vậy, mục đích chính của nhà tổ chức không dừng lại ở việc trưng bày tác phẩm trong thời gian ngắn, mà muốn hướng tới mục đích xa hơn, đó là thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò của mỹ thuật, cụ thể là điêu khắc, biểu tượng kiến trúc trong không gian sống.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - thành viên Hội đồng nghệ thuật nói rằng, ông gặp rất nhiều khách hàng có nhu cầu đặt tranh, tượng trong không gian mà mình đầu tư nhưng không tìm ra cách tối ưu để thỏa mãn nhu cầu đó. Chẳng hạn, do không tìm được nghệ sĩ tâm huyết nên một bà chủ đầu tư vào Khu đô thị tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đã mua những bức tượng “chép” của nước ngoài - rất lạc lõng với không gian đó.
Bởi vậy, không quá khi nói rằng, triển lãm này như một sự khởi đầu cho những cái bắt tay mới giữa nghệ sĩ điêu khắc và chủ đầu tư công trình, nhà quản lý không gian công cộng để đưa mỹ thuật vào đời sống, với mong muốn sau cùng là người dân được hưởng một không gian sống giàu tính thẩm mỹ.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23-11, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.