(HNMO) - Sáng 1-6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư.
Đây là hoạt động nhằm hướng dẫn người dân phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một trong những điểm đến du lịch trọng điểm của Hà Nội.
Thị xã Sơn Tây là một vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, có vị trí giao thông thuận lợi khi cách trung tâm Thủ đô khoảng 45km. Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử cùng kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, Sơn Tây có lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ.
Theo UBND thị xã Sơn Tây, hiện địa phương có 244 di tích, 956 ngôi nhà cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI; 65 lễ hội đặc sắc, tiêu biểu của xứ Đoài gắn liền với những phong tục tập quán như: Hội đền Và, Lễ giỗ vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền, Hội đền Măng Sơn…
Ngoài ra, Sơn Tây còn là quê hương của các vị anh hùng dân tộc và danh nhân như Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh...
Hiện nay, thị xã Sơn Tây có 2 điểm du lịch được UBND thành phố Hà Nội công nhận, gồm: Làng cổ Đường Lâm, làng cổ đầu tiên và duy nhất của Sơn Tây được Nhà nước trao Bằng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”; và Khu du lịch làng Long Hồ, xã Kim Sơn. Ngoài các giá trị văn hóa, lịch sử, Sơn Tây còn thu hút du khách với nét ẩm thực đặc sắc như: Bánh tẻ Phú Nhi, gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, tương Đường Lâm; mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông...
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2050, Sơn Tây được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và đô thị du lịch nghỉ dưỡng. Giai đoạn 2025-2030, Sơn Tây phấn đấu trở thành một trong những trọng điểm du lịch Thủ đô. Trong năm 2022, thị xã đã đón 653.741 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 13.741 lượt, khách nội địa 640.000 lượt. Điểm du lịch xã Đường Lâm đón 340.000 lượt khách.
Với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian vừa qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ một số giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch, trong đó chú trọng xây dựng các tour tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của thị xã, như: Thành cổ, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Khai Nguyên, đền Măng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Đồng Mô, các điểm nghỉ dưỡng sinh thái trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sơn Tây cũng xây dựng và đưa vào khai thác phố đi bộ với nhiều hoạt động phong phú, trở thành điểm đến mới hấp dẫn người dân và du khách.
Đóng góp các giải pháp để du lịch Sơn Tây tăng thêm sức hút, phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho rằng, ngoài các giá trị di sản có sức thu hút, người dân cần chú trọng đến vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, trong việc phát triển du lịch cộng đồng, cần chú trọng đến ứng xử, thái độ phục vụ khách văn minh; xây dựng các sản phẩm quà tặng từ những sản phẩm OCOP hấp dẫn…
Với vai trò là người hướng dẫn, tập huấn cho người dân tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, để hấp dẫn du khách hơn, người dân Đường Lâm nói riêng, thị xã Sơn Tây nói chung cần tạo thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách tại nhà; nâng cấp cơ sở lưu trú cộng đồng đạt chuẩn về dịch vụ để níu chân du khách ở lâu, chi tiêu nhiều. Ngoài ra, người dân cần khai thác lợi thế ẩm thực truyền thống, đưa ẩm thực trở thành một trong những “đặc sản” thu hút du khách.
Theo Quy hoạch du lịch định hướng đến 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 16-10-2012, thị xã Sơn Tây phát triển 3 điểm du lịch chính là Khu du lịch Đồng Mô; Khu du lịch trung tâm thị xã - Thành cổ - Đền Và - Đường Lâm; Khu du lịch Xuân Khanh.
Thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với thị xã Sơn Tây tổ chức các đoàn khảo sát, famtrip để xây dựng thêm nhiều tuyến du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.