Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa sản phẩm tới tận tay người dùng

Tuệ Diễm| 13/05/2015 06:52

(HNM) - Chương trình bán thuốc bình ổn giá được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2011. Tuy triển khai bán thuốc bình ổn nhiều năm, song một bộ phận người bệnh vẫn cho rằng

Rẻ nhưng bảo đảm chất lượng

Chương trình bán thuốc bình ổn giá được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2011. Theo Sở Y tế, các mặt hàng thuốc bình ổn sẽ được bán rẻ hơn thị trường 5-10%, và khi có biến động về giá thuốc, các đơn vị đã ký cam kết phải giữ nguyên giá bình ổn. Chính điều này đã giúp nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh được hưởng lợi.



Bà Phạm Thị Lan, ngụ tại phường 15, quận Bình Thạnh cho biết, bà được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau CEMOFAR 325mg và mua ở nhà thuốc trong Bệnh viện quận Bình Thạnh với giá 200 đồng/viên, mỗi hộp tiết kiệm hơn mua ngoài thị trường 3.000 đồng và hiệu quả không thua thuốc ngoại. Với chứng đau đầu mạn tính bà phải sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên nên dù chỉ rẻ hơn một vài nghìn cũng giúp bà Lan giảm một phần chi phí khá lớn.

Tuy vậy, theo cơ quan chức năng, sau nhiều năm triển khai bán thuốc bình ổn, vẫn còn một bộ phận người dân TP Hồ Chí Minh cho rằng "của rẻ là của ôi", nên mức tiêu thụ thuốc bình ổn giá dù tăng nhưng vẫn chưa kích thích phong trào "người Việt dùng hàng Việt". Đứng trước vấn đề này, Ths.Ds Đỗ Văn Dũng - Phó trưởng phòng điều hành Phòng Quản lý dược - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Thuốc ký kết bán tại nhà thuốc bệnh viện và các cửa hàng thuốc trong chương trình bình ổn giá đều là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, bảo đảm chất lượng, có giá thấp, nhưng tác dụng chữa bệnh tương tự với thuốc nhập ngoại".

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chất lượng thuốc nội cũng được khẳng định thông qua việc hàng loạt các doanh nghiệp lớn, các cửa hàng thuốc uy tín tham gia chương trình, bày bán thuốc bình ổn. Đặc biệt, tỷ lệ giá trị thuốc bình ổn trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện thành phố tăng từ 20 lên 30%, các bệnh viện quận/huyện tăng từ 30 lên 40%, góp phần làm cho tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến thành phố đạt 45% và tuyến quận, huyện đạt 65% trong tổng số tiền thuốc điều trị.

Đẩy mạnh chương trình bình ổn giá thuốc

Theo thống kê của Phòng Quản lý dược - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay các mặt hàng thuốc ngoại đều có xu hướng tăng giá, trong đó giá nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc liên tục thay đổi. Giá một số mặt hàng cụ thể như: Methaylprednisolone (Trung Quốc) có giá 2.600 USD/kg, tăng 23%; Celecoxib (Ấn Độ) có giá 49 USD/kg, tăng 18%... Trước tình hình đó, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đẩy mạnh phong trào, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thuốc để đáp ứng đủ nhu cầu dùng thuốc thiết yếu cho người dân thành phố trong trường hợp có xảy ra biến động giá.

Theo đó, giai đoạn 2015 - 2016, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai bình ổn hơn 550 mặt hàng dược phẩm tại 3.500 nhà thuốc trên địa bàn thành phố. Số mặt hàng thuốc này thuộc 21 nhóm sản xuất trong nước, với 170 hoạt chất, tăng 20 hoạt chất so với năm 2014 do 14 công ty dược phẩm phân phối. Các nhà thuốc sẽ được bán thấp hơn thị trường 5-10%. Các mặt hàng thuốc bình ổn giá chủ yếu là nhóm thuốc chữa bệnh mạn tính, nhóm thuốc phục vụ các nhu cầu thường xuyên của con người như giảm đau, hạ sốt, chống ho, thuốc tim mạch, thuốc kháng sinh, kháng viêm, vitamin - khoáng chất...

Với hệ thống nhà thuốc lớn, điểm bán lớn và công khai, minh bạch về giá cả, được sự kê đơn, hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ, ngành y tế TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thuốc bình ổn giá sẽ phân phối đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt người có thu nhập và điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh và có nhu cầu dùng thuốc thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa sản phẩm tới tận tay người dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.