(HNM) - Từ năm 2015 đến nay, Sở VH-TT Hà Nội cùng với các ngành, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa điệu hát cổ này trở lại cộng đồng.
Hát trống quân đang được khôi phục ở Hà Nội. |
Trong quá trình điền dã nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa) nhận thấy, Hà Nội từng là một tiểu vùng của nghệ thuật hát trống quân khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Di sản tồn tại đậm đặc nhất ở xã Khánh Hà (Thường Tín), Phúc Tiến (Phú Xuyên) và Hát Môn (Phúc Thọ). Trống quân thường được hát vào thời điểm trăng lên cho đến khi trăng lặn trong dịp nông nhàn hoặc hội hè với ý nghĩa cầu mong sự sinh sôi nảy nở, vạn vật giao hòa, đơm hoa kết trái.
So với các loại hình nghệ thuật khác, hát trống quân độc đáo ở chỗ chỉ cần người dân có niềm đam mê và một cái trống đất là có thể hát từ canh này sang canh khác. Về nội dung, trống quân là hình thức hát đối đáp trai - gái nên tình yêu nam nữ vẫn là chủ đề nổi bật nhất. Nó biểu hiện ngay từ cách xưng hô anh - em, chàng - nàng, ta - mình giữa các cặp hát. Ngoài tình yêu đôi lứa, nội dung lời ca còn phản ánh tình yêu thiên nhiên, đất nước, cuộc sống lao động của con người.
Từ năm 2015 đến nay, Sở VH-TT Hà Nội đưa di sản vào danh mục các di sản cần bảo vệ khẩn cấp và ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để thành lập CLB hát trống quân ở những địa phương có di sản, mở các lớp truyền dạy hát cho thế hệ trẻ; tạo điều kiện để các nghệ nhân giới thiệu, trình diễn trống quân tại những thiết chế văn hóa quan trọng… Nhờ đó, hát trống quân từ chỗ chỉ còn vài người biết đến với những hồi ức đứt đoạn, nay đã và đang trở lại với cộng đồng.
Đối với nhiều thanh niên xã Hát Môn hôm nay, những lời hát như gọi, mời, lời giao duyên, hẹn ước “Nhớ chàng lắm lắm chàng ơi. Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than. Nhớ em là gái thuyền quyên. Anh đã đi ngủ, dậy liền đi ra…” hay “Đêm thanh gà gáy cũng thanh. Hàng xóm ngủ cả, xung quanh ngủ rồi. Còn chàng với thiếp mà thôi. Chàng về đi ngủ, thiếp tôi ra về” có sức hấp dẫn hơn hẳn các loại hình giải trí hiện đại.
Tương tự như xã Hát Môn, các nghệ nhân xã Khánh Hà nhớ lại và hệ thống được gần 100 bài hát, lời hát, in thành các tuyển tập để làm tư liệu truyền dạy. Ông Nguyễn Mạnh Tươi, Chủ nhiệm CLB Hát trống quân xã Khánh Hà cho biết: “CLB hát trống quân của xã đã mở được nhiều lớp truyền dạy, giúp cho hơn 100 người biết hát. Người biết hát ở nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều cháu mới 10-15 tuổi nên chúng tôi không lo di sản tái mai một”.
Cùng với công tác truyền dạy, chính quyền các địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để di sản có cơ hội hồi sinh. Như ông Nguyễn Đăng Mạc, Chủ tịch UBND xã Hát Môn khẳng định: “Hiểu về giá trị của di sản rồi, chúng tôi không có lý do gì không bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để điệu hát trống quân sống mãi, góp phần giáo dục con cháu hiểu về truyền thống văn hóa của ông cha. Trước mắt, chúng tôi động viên, khuyến khích nghệ nhân và nhân dân học, truyền dạy, trình diễn di sản; đồng thời từng bước nghiên cứu đưa di sản vào trường học”.
Nhờ những hành động, việc làm thiết thực đó, di sản trống quân đã và đang dần được hồi sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.