(HNMO)- Về xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) những ngày này, dễ dàng nhận thấy ở đây không chỉ đang “nóng” về việc cấp “sổ đỏ” mà còn rất “nóng” bởi tràn lan những vi phạm trật tự xây dựng.
Vi phạm như “nấm mọc sau mưa”
Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới trong tháng 10 này, tại thôn Đồng Trạng, sát hồ Linh Khiêu, một căn biệt thự 2 tầng (diện tích lên tới 200m2) đang được khẩn trương hoàn thiện. Tìm hiểu được biết, đây là căn biệt thự của bà Phạm Thị Lành ở 186 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội trên diện tích đất 3.869m2 nhận chuyển nhượng năm 2001, gồm cả đất vườn, đất nông nghiệp.
Còn trên địa bàn thôn Triều Đông, từ cổng trường Sỹ quan Lục quân I rẽ trái khoảng 200m, một căn nhà cấp 4 được “mọc” lên giữa thửa đất khoảng 1 sào (tương đương khoảng 360m2), xung quanh thửa đất là ruộng cấy lúa. Rồi tiếp đến, tại khu cấp tứ, đường vào Trung đoàn Không quân 916, thuộc thôn La Gián, có nhiều căn nhà cấp 4, nhà xưởng với diện tích hàng trăm mét vuông đã được “mọc” lên. Theo phản ánh của người dân, những căn nhà, dãy xưởng này được xây dựng trên đất đất quỹ II, đất khoán thầu (đất công) của xã. Chưa hết, tại Khu cầu 10, nằm giữa Trung đoàn Không quân 916, Lữ đoàn 45 và Tiểu đoàn 134 (Bộ Tư lệnh Thông tin) cũng có nhiều căn nhà đã và đang được xây dựng trên đất nông nghiệp.
Mặc dù đã bị UBND xã Cổ Đông lập biên bản đình chỉ xây dựng, nhưng ngôi nhà trên địa bàn thôn Đồng Trạng vẫn đang gấp rút được hoàn thiện |
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân, hàng trăm nghìn mét vuông đất bán, cho thuê trái luật mà Kết luận thanh tra số 168/KL-UBND của UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ ra nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý và đã “biến” thành nhà, thành trang trại.
Làm việc với lãnh đạo UBND xã Cổ Đông, ông Khuất Văn Trường- Chủ tịch UBND xã và ông Khuất Văn Xuyên- Phó chủ tịch UBND xã xác nhận: Chính quyền xã cũng nắm được thực trạng xây dựng trái phép tràn lan kể trên. Trong đó bức xúc nhất là tại khu vực cấp tứ, do các hộ có ruộng phía trước đã xây nhà bịt kín lối đi nên các hộ có ruộng canh tác ở phía sau chỉ còn nước “bay” vào ruộng để mà gieo trồng, sản xuất.
Buông lỏng quản lý vì “không còn hồ sơ”?
Về trường hợp xây dựng của bà Phạm Thị Lành, cả ông Khuất Văn Xuyên và ông Khuất Văn Trường đều cho biết, ngày 5-6-2011, UBND xã Cổ Đông đã có văn bản chấp thuận việc xây dựng của gia đình bà. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ, tài liệu, phóng viên nhận thấy, văn bản chấp thuận cho gia đình bà Lành xây dựng của UBND xã Cổ Đông chỉ là xác nhận vào đơn xin “cải tạo, sắp xếp lại nhà ở, vị trí chuồng trại, kè bờ ao, củng cố tường rào, xây dựng hệ thống thoát nước…” của gia đình bà Lành.
Theo ông Xuyên, đầu tháng 9-2011, sau khi nhận được báo cáo của lãnh đạo thôn Đồng Trạng, UBND xã đã tiến hành kiểm tra công trình xây dựng của gia đình bà Phạm Thị Lành nhưng chủ nhà vắng mặt; xã đã lập biên bản đình chỉ xây dựng công trình. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện công trình vẫn đang gấp rút hoàn thiện. Khi hỏi về biện pháp xử lý đối với công trình xây dựng trên, lãnh đạo xã Cổ Đông cho rằng, phải “chờ thẩm định của chuyên môn”. Nói như hai vị lãnh đạo UBND xã Cổ Đông thì thật là mâu thuẫn, bởi ngày 10-9-2011, trong Biên bản vi phạm hành chính về vi phạm đất đai do chính UBND xã Cổ Đông lập đối với trường hợp vi phạm của gia đình bà Lành đã nêu rõ: Sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng nhà 2 tầng, bê tông cốt thép, diện tích 9,5x21 = 199,5m2?!
Đối với trường hợp xây nhà cấp 4 ở thôn Triều Đông, ông Trường cho biết là của gia đình ông Thêm (khi hỏi họ ông Thêm, lãnh đạo xã không nắm được- PV). Năm 2003- 2004, ông Thêm làm dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên diện tích khoảng 1 sào. Về việc xây dựng trái phép tại khu cấp tứ, ông Trường và ông Xuyên cho biết: “Nghe nói” một số hộ đã có “sổ đỏ”(!) Hiện nay, xã chưa xác định được ai là chủ nhà và đất ở khu vực này.
Khi được hỏi dự án xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có được chấp thuận và cho san lấp ruộng để xây nhà hay không thì cả ông Trường và ông Xuyên đều cho biết mới tiếp nhận chức vụ từ tháng 7-2011, cộng thêm hiện nay UBND xã có nhiều cán bộ mới nên không nắm được. Lãnh đạo UBND xã Cổ Đông cho biết thêm, thời điểm này, hầu hết hồ sơ về nhà đất trên địa bàn xã đã bị thất lạc, không còn nên UBND xã đang triển khai kế hoạch để các hộ dân trong xã tự kê khai nhằm thiết lập lại hồ sơ, đồng thời nắm bắt được số liệu về nhà đất.
Thực tế, một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn xã Cổ Đông, trong khi các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc không có hồ sơ, hoặc chỉ bị lập biên bản vi phạm thì không ít trường hợp do nhu cầu cấp thiết về nhà ở, xây dựng trên đất do xã cấp, ngoài chỉ giới quy hoạch lại bị UBND xã ra quyết định yêu cầu phá dỡ. Điển hình là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Chí Hạp, thôn Trại Hồ. Ông Hạp bức xúc: “Đất của gia đình tôi được xã cấp từ tháng 10-1985. Trước khi xây dựng, tôi đã có đơn xin phép, UBND xã Cổ Đông đã xác nhận nhưng khi tôi lên nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tại UBND thị xã Sơn Tây, anh Nguyễn Đình Chiến- cán bộ tiếp nhận hồ sơ không tiếp nhận vì chưa có “sổ đỏ”.
Ông Hạp có 2 con trai (con trai lớn đã lấy vợ, có con; con trai thứ hai sắp cưới), vì nghĩ rằng, không thể cả 3 cặp vợ chồng, con cái sinh hoạt trong ngôi nhà chật hẹp nên ông Hạp đã phá căn nhà cấp 4 để xây dựng nhà 2 tầng. Vị trí xây dựng ngôi nhà mới cách tim QL21 là 30m (chỉ giới là 28m). Khi gia đình đào móng, cán bộ TTXD của xã Cổ Đông đã kiểm tra nhưng không có ý kiến gì, nay công trình đã xây xong, gia đình ông Hạp lại nhận được quyết định của xã yêu cầu dỡ bỏ. “Nếu không cho xây thì UBND xã đình chỉ ngay từ đầu có phải hơn không”- ông Hạp tức nghẹn?
Rõ ràng, không hề thuyết phục khi lãnh đạo UBND xã Cổ Đông đưa ra lý do không còn hồ sơ nhà đất để biện minh cho tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Phải chăng, cứ mỗi lần thay đổi lãnh đạo UBND xã thì hồ sơ nhà đất trên địa bàn lại phải thiết lập lại từ đầu? Những gì đang diễn ra trên địa bàn xã Cổ Đông khiến dư luận cho rằng, do cán bộ hạn chế về năng lực, trình độ hay có sự mập mờ, thiếu minh bạch trong xử lý các trường hợp vi phạm?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.