Hầu hết các loại sữa đều tăng giá từ 7 tới 10% (HNM) - Từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều hãng sữa bột nhập khẩu đã liên tục tăng giá sữa từ 2,5% đến 10% với nhiều loại sản phẩm. Đáng chú ý, việc điều chỉnh giá này được đưa ra trước ngày 1-10-2010, khi Thông tư 122-2010/TT-BTC có hiệu lực.
Theo quy định mới, khi điều chỉnh giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, DN phải đăng ký và kê khai giá, hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử phạt nặng. Tuy nhiên kể từ ngày 12-8-2010, thời điểm Bộ Tài chính ban hành Thông tư 122, nhiều hãng sữa bột đã nhanh tay tăng giá bán nhằm đối phó với quyết định “siết” giá sữa.
Sữa bột đua nhau đội giá
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Sữa Quốc tế. Ảnh: Bá Hoạt
Mặc dù tình trạng sữa bột nhập khẩu đua nhau tăng giá bất hợp lý đã bị dư luận lên án gay gắt, song giá sữa vẫn tiếp tục tăng mà không gặp bất kỳ phản ứng nào từ phía cơ quan quản lý. Từ ngày 1-9, hãng sữa Abbott (Mỹ) tăng thêm 10% đối với sữa Ensure Gold. Sữa Anmum (New Zealand) tăng 10%, từ 125.000 đồng lên 134.000 đồng/hộp 400g và từ 225.000 đồng lên 240.000 đồng/hộp 900g. Trong thông báo gửi các đại lý, hãng Nestlé cho biết sẽ điều chỉnh giá sữa bột từ ngày 16-9. Cụ thể, sữa bột Nestlé gấu và Lactogen của hãng này đã tăng thêm 9% và mỗi hộp sữa đắt thêm 6.000 đến 10.000 đồng. Trước đợt điều chỉnh giá này, vào tháng 7-2010, hãng Dumex đã tăng giá 17 nhãn sữa bột thêm 10%. Sữa XO nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 2,5%. Sữa nước, sữa đặc nhãn hiệu Cô gái Hà Lan tăng 7%.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 3 năm qua, thị trường sữa bột tại Việt Nam đã 16 lần tăng giá. Các hãng sữa lý giải nguyên nhân là do biến động của tỷ giá ngoại tệ và nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Gia Phan, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, giá sữa hiện nay tăng rất cao so với mức điều chỉnh tỷ giá. Việc DN vin vào lý do tỷ giá tăng để nâng giá sữa là vô lý. Thế nhưng, chưa có cơ quan nào chịu nghiên cứu để xác định xem những yếu tố mà các hãng sữa đưa ra làm lý do để tăng giá có chính đáng hay không?
Những đợt tăng giá liên tiếp đã khiến giá sữa bột ở Việt Nam vốn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới đắt đỏ thêm, những hộ đang nuôi con nhỏ phải chi thêm một khoản đáng kể. Giá sữa tăng liên tiếp mà không gặp bất kỳ trở ngại nào đã khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao cơ quan chức năng không có giải pháp cụ thể nào? Những đợt tăng giá sữa dồn dập này có phải do DN cố tình làm "việc đã rồi" trước thời điểm Thông tư 122 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành?
Áp dụng biện pháp đủ mạnh để bình ổn giá sữa
Theo quy định hiện nay, các hãng sữa nhập khẩu tại Việt Nam không có trách nhiệm phải giải trình yếu tố cấu thành giá bán. Công thức tính giá bán của nhiều hãng sữa, theo một điều tra của Bộ Tài chính, chỉ là lấy giá nhập khẩu cộng thêm 40-45%. Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội năm 2009 cho thấy, mức chênh lệch giữa giá sữa bột nhập khẩu theo tờ khai hải quan và giá niêm yết của một số loại sữa bột lên tới 220-285%. Trước việc giá sữa bột liên tục tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, việc một số DN lấy lý do Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá VND/USD thêm 2,1% khiến chi phí nhập khẩu tăng nên phải nâng giá sữa là không hợp lý. Theo quy định của Thông tư 122, từ ngày 1-10, khi DN đăng ký giá sữa, nếu chi phí hợp lý sẽ được cơ quan quản lý ở địa phương chấp nhận; nếu không hợp lý sẽ yêu cầu điều chỉnh lại giá bán.
Theo ông Tuấn, Thông tư 122 có 2 điểm sửa đổi căn bản so với Thông tư 104, quy định việc thực hiện một số điều về pháp lệnh giá, trong đó có hướng dẫn về giá sữa. Thông tư đã bãi bỏ quy định áp dụng biện pháp bình ổn giá khi biên độ tăng giá của doanh nghiệp là 20% trong vòng 15 ngày. Thay vào đó, nếu hãng sữa tăng giá bất hợp lý sẽ áp dụng ngay biện pháp bình ổn. Bên cạnh đó, mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá của Chính phủ (trong đó có mặt hàng sữa bột) đều phải đăng ký giá, không phân biệt loại hình DN; thay vì quy định cũ là chỉ các doanh nghiệp tỷ lệ vốn nhà nước 51% mới phải đăng ký giá).
Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm Thông tư 122 chính thức có hiệu lực, tuy nhiên nhiều hãng sữa bột đã nhanh tay điều chỉnh giá bán. Liệu quy định "siết" giá sữa có phát huy hiệu quả trên thực tế hay không vẫn là ẩn số, bởi nếu chấp nhận "việc đã rồi" do các hãng sữa bày ra thì người tiêu dùng tới đây vẫn phải chấp nhận mua sữa bột với giá cao.
Việt Nam chưa phát hiện sản phẩm sữa chứa côn trùng Khánh Trang |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.