(HNM) - Tại thời điểm này, các tỉnh, thành phía Nam đang bước vào cuộc chạy đua về đích với việc đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam. Điều đáng bất ngờ, không chỉ các đơn vị tư nhân tranh thủ lập kỷ lục để quảng bá hình ảnh, các đơn vị hành chính công cũng nỗ lực tạo ấn tượng năm cũ, mở màn cho năm mới, thắng lợi mới.
Kỷ lục Tết dồn dập
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa trao bằng công nhận xác lập kỷ lục mô hình cây hoa mai lớn nhất do Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thực hiện. Cây hoa mai này cao 9m80, tán rộng 9m và được đính 34.250 bông mai vàng. Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã huy động toàn bộ giảng viên, sinh viên cùng chung sức để lập ra kỷ lục chào đón năm mới 2015. Trong 5 ngày, hàng trăm người cùng nhau đúc gốc, ghép cành, chọn những cành phù hợp, và kết thành hoa vàng. Kỷ lục được ghi nhận và tạo được ấn tượng khá tốt.
Mô hình cây mai vàng lớn nhất vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập trước thềm năm mới. |
Trong không khí ngày giáp Tết, cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư DHC, tại Đà Nẵng cũng đang chạy nước rút để tiến tới thiết lập công trình bản đồ Việt Nam bằng hoa lớn nhất. Theo thông tin từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Công ty DHC đăng ký làm bản đồ Việt Nam bằng hoa với tổng diện tích 300m2. Bản đồ được kết từ các loại hoa tươi như: Dạ yến thảo, chuỗi ngọc, sống đời… Từ ngày 12-2 đến ngày 14-2 công trình này sẽ hoàn thiện ở đường Trần Hưng Đạo, phía đông cầu Rồng, TP Đà Nẵng.
Điều đáng bất ngờ hơn, trong thời điểm cận Tết Nguyên đán này, các đơn vị hành chính công cũng tham gia xác lập những kỷ lục mới. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết, từ ngày 12-2, tại Công viên Sa Đéc, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức xác lập tô hủ tiếu lớn nhất với đường kính miệng tô 150cm, có thể tích 925 lít nước. Tô hủ tiếu này được làm từ 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo, trên 40kg gia vị, 80kg rau và 500 lít nước dùng… nhằm quảng bá thương hiệu hủ tiếu Sa Đéc. Để làm ra sự kiện này, dự trù kinh phí vật liệu hơn 200 triệu đồng. Cũng trong không khí mừng xuân, vào ngày 10-2, Ban Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ thực hiện công trình "Bản đồ Việt Nam bằng trái cây lớn nhất". Tổng lượng trái cây sử dụng làm bản đồ lên tới 1 tấn, gồm các loại quả đặc sản khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam như: Xoài, quýt hồng, cam, dừa, cam sành, bưởi năm roi, phật thủ… Ngoài ra, tấm bản đồ còn sử dụng thêm 1.000 giỏ hoa để trang trí.
Tạo động lực cho năm mới
Hoạt động xác lập kỷ lục Guiness của thế giới ra đời từ năm 1951 với ý nghĩa tạo sự so sánh. Nếu xét ở góc độ này, đăng ký lập kỷ lục sẽ góp phần tạo ra động lực để cho tập thể, đơn vị có những sự bứt phá riêng cho chính mình. Cũng vì lẽ đó, những năm gần đây, xu hướng tập thể, đơn vị đăng ký xác lập kỷ lục cuối năm đều gia tăng. Nhiều tháng trước, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã nhận được nhiều hồ sơ đăng ký lập kỷ lục vào cận Tết Ất Mùi 2015. Qua tuyển chọn, Ban tổ chức đã lọc được gần 10 kỷ lục từ nhiều đơn vị tỉnh, thành khác nhau để làm lễ xác lập trong dịp Tết Nguyên đán.
"Lập kỷ lục là để kích thích sự sáng tạo, sự cố gắng của cá nhân và sự đoàn kết của cả một tập thể. Xu hướng lập kỷ lục, tạo ra động lực cho mọi người cùng cố gắng bước ra khỏi những khó khăn, bứt phá để vượt lên" - Ông Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chia sẻ.
Ngoài xu hướng lập kỷ lục vào cuối năm, mong muốn phá kỷ lục cũng xuất hiện nhiều trong thời gian này. Trước đây kỷ lục bản đồ Việt Nam bằng trái cây đã được xác lập trong lễ hội Festival trái cây được tổ chức ở Tiền Giang vào năm 2010. Kỷ lục bản đồ Việt Nam bằng trái cây lớn nhất được xác lập lại vào ngày 10-2, do Ban Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ thực hiện.
Xét về góc độ tâm lý, sự bứt phá cuối năm tạo ra một nét hưng phấn về mặt tinh thần để khích lệ cá nhân và tập thể tham gia lao động hăng say hơn trong năm mới. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc tạo thành kỷ lục và phá kỷ lục cũng cần được cân nhắc kỹ, để tránh căn bệnh chạy theo phong trào, chạy theo thành tích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.