(HNM) - Giá các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh buộc người dân phải "thắt lưng buộc bụng", khiến sức mua ở cả kênh phân phối hiện đại lẫn truyền thống đều giảm mạnh. Trước tình hình đó, không chỉ doanh nghiệp phân phối mà cả tiểu thương cũng phải tìm mọi cách để "ké" khách hàng.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị BigC. Ảnh: Khánh Nguyên |
Theo đại diện của một số siêu thị tại Hà Nội, xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển với ưu thế nghiêng về các mặt hàng thiết yếu. Tỷ trọng doanh thu của mặt hàng thực phẩm ngày càng tăng, trong khi doanh số của nhiều ngành hàng như may mặc, đồ gia dụng… giảm mạnh. Doanh số của hệ thống siêu thị Coop Mart tăng khoảng 25%, trong đó, ngành thực phẩm chiếm 59%, ngành phi thực phẩm 41%. Tại các hệ thống siêu thị khác như BigC, Hapro, Lottemart, Maximark… doanh thu từ nhóm hàng thực phẩm chiếm 55-60% cơ cấu tổng doanh thu. Bên cạnh đó, người dân cũng chọn lựa kỹ hơn khi mua sắm, thường so sánh giá nhiều nhãn hàng, có xu hướng tìm mua các sản phẩm khuyến mãi, các sản phẩm nhãn hàng riêng của siêu thị để tiết kiệm chi phí. Hiện, hầu hết các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi với hàng trăm sản phẩm giảm giá. Đồng thời, đưa ra nhiều tiện ích để "lấy lòng" khách hàng như giảm giá thêm cho khách hàng thân thiết hoặc cho khách mua hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng, đưa đón miễn phí bằng xe buýt để thu hút khách tỉnh xa, giao hàng tận nơi… Bên cạnh đó, các siêu thị còn đưa ra nhiều nhãn hàng riêng như các mặt hàng thực phẩm khô, đông lạnh và chế biến sẵn mang nhãn hiệu BigC, CoopMart, Metro…Thế mạnh của các sản phẩm này là có giá "mềm" hơn so với sản phẩm cùng loại 5-20%, được sản xuất từ các nhà máy đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước.
Trước "làn sóng" khuyến mãi của hệ thống siêu thị, các tiểu thương cũng phải xoay đủ cách để "kéo" khách hàng. Không ít sản phẩm được các cửa hàng buôn bán lẻ bán với giá chiết khấu thấp hơn mức khuyến mãi ở siêu thị. Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng thay đổi thái độ phục vụ, bán đúng giá niêm yết, bảo đảm chất lượng hàng hóa… để giữ khách. Chị Thu Hà, chủ cửa hàng thực phẩm khô và hóa phẩm ở phố Kim Ngưu cho biết, chị chấp nhận giảm lợi nhuận từng sản phẩm để có giá cạnh tranh hơn. Hãng sản xuất chiết khấu 5% thì mình chia sẻ 2% với khách hàng. Thái độ phục vụ khách cởi mở, thân thiện cũng là một trong những bí kíp để giữ mối lâu dài. Bất kể khách mua hàng ít hay nhiều, nếu khách yêu cầu cửa hàng cũng sẵn sàng giao tận nơi. Hơn thế, chị Hà còn học theo cách trưng bày gian hàng trong siêu thị, sắp xếp lại hàng hóa theo thứ tự, trông gọn gàng đẹp mắt nên lượng khách mua cũng đông hẳn lên. Trong khi đó, chủ một đại lý tạp hóa (phố Lò Đúc) cho biết, với các mặt hàng như thực phẩm chế biến, thực phẩm khô và đông lạnh, hóa mỹ phẩm… bán ở các siêu thị chỉ khi có chương trình giảm giá khách hàng mới được mua với giá thấp hơn mức giá in trên vỏ bao bì, nhưng từ đầu năm đến nay,
cửa hàng luôn bán cho khách hàng với mức giá thấp hơn giá bao bì. Chẳng hạn, bỉm Huggies cỡ M siêu thị bán giá 265.000 đồng/bịch, nhưng cửa hàng bán 235.000 đồng/bịch; nước tẩy đa năng Cif giá bán đã khuyến mãi ở siêu thị là 21.000 đồng/chai 250ml, cửa hàng bán 18.000 đồng/chai; nước rửa bát Sunlight 4kg ở siêu thị vừa khuyến mãi, vừa tặng giá bán còn 81.300 đồng/can, trong khi cửa hàng bán 79.000 đồng/can…
Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng vừa qua liên tục giảm đã cho thấy sức mua của người dân yếu, nhiều mặt hàng không bán được buộc không chỉ doanh nghiệp mà cả tiểu thương phải giảm giá, khuyến mãi một cách linh hoạt để thu hút khách hàng. Việc các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thực hiện giảm giá hay chiết khấu trực tiếp cho khách hàng chứng tỏ những người kinh doanh, buôn bán lẻ hiện nay ngày càng năng động. Sức mua kém nên việc chia sẻ lợi nhuận với khách hàng không chỉ rất cần thiết mà còn là sự sống còn của chính doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tại thời điểm này, ai tạo được uy tín với khách hàng thì người đó sẽ thắng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.